Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

10 LỜI KHUYÊN GIÚP PHỤ HUYNH NUÔI DẠY TRẺ MỘT CÁCH TOÀN DIỆN NHẤT

Có rất nhiều cách để giúp các bậc phụ huynh có thể nuôi dạy trẻ phát triển một cách toàn diện và đem lại niềm vui cho các em. Sau đây là 10 cách được nhiều cha mẹ chọn lựa và đem lại những kết quả tích cực nhất.


1. Trêu đùa với trẻ
Việc trêu đùa với trẻ như một người bạn đã được khoa học chứng minh đem lại những tác động vô cùng tích cực đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc này sẽ giúp các em học cách suy nghĩ sáng tạo hơn cũng như giảm bớt những căng thẳng mà các em gặp phải trong quá trình học tập.
2. Hãy trở nên lạc quan
Việc các bậc cha mẹ tỏ ra bi quan hay thể hiện những cảm xúc tiêu cực khi giao tiếp với trẻ sẽ khiến các em trở nên hiếu động và hung hăng hơn, đặc biệt là đối với những trẻ đang ở độ tuổi học mẫu giáo. Vì vậy, hãy trở nên lạc quan và loại bỏ mọi cảm xúc tiêu cực có thể khiến trẻ cảm thấy khó gần gũi với cha mẹ của mình.
3. Thể hiện lòng trắc ẩn
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lòng trắc ẩn sẽ giúp con người trở nên bình tĩnh và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong cuộc sống.
Việc các bậc phụ huynh thể hiện lòng trắc ẩn sẽ là một ví dụ không thể tốt hơn cho con cái của mình khi giúp các em cảm thấy đồng cảm với những khó khăn của người khác qua đó dạy các em cách giúp đỡ người khác cũng như giải quyết những khó khăn của riêng mình.
4. Hãy để trẻ được tự do
Khi con cái bước vào độ tuổi trưởng thành và sẵn sàng cho một cuộc sống tự lập, các bậc phụ huynh cần để các em được tự do làm những điều mình thích nếu những điều này ở trong một chừng mức cho phép. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng và nhạy cảm khi các em có thể tự đưa ra quyết định của riêng mình và học cách tự chịu trách nhiệm trước những lựa chọn của mình.
5. Duy trì hạnh phúc gia đình
Việc phải sống trong một gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” sẽ khiến trẻ luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang, điều mà khoa học chứng mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của trẻ. Điều này là vô cùng tai hại đối với những trẻ đang ở độ tuổi từ 9-18 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu hình thành nhận thức về thế giới xung quanh.
Việc giấc ngủ không ngon giấc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ mà còn khiến trẻ trở nên cáu kỉnh và hay bực tức.
6. Quan tâm tới sức khỏe tinh thần của chính mình
Nếu bạn cảm thấy mình đang gặp phải một số vấn đề về tâm lý như khủng hoảng tinh thần hay stress thì hãy tìm cách vượt qua nó nhanh chóng bởi việc này có thể ảnh hưởng tới cách bạn nuôi dạy con cái của mình.
Việc gặp phải những bất ổn về tinh thần sẽ khiến bạn không thể tập trung toàn tâm toàn ý vào việc nuôi dạy trẻ và thậm chí là phớt lờ những nhu cầu của trẻ, khiến trẻ dễ gặp phải những căng thẳng không đáng có.
7. Xây dựng mối quan hệ tốt với con cái
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc người mẹ quan tâm và xây dựng một mối quan hệ gần gũi như một người bạn với con cái của mình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tính cách cũng như giúp trẻ không gặp phải những vấn đề về cách hành xử.
Điều này sẽ giúp trẻ có được sự tự tin cũng như tin tưởng bởi trẻ luôn biết rằng mình có thể chia sẻ mọi thứ với cha mẹ. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc xây dựng những mối quan hệ xung quanh mình.
8. Không nên tránh né những cuộc tranh luận với con
Khi trẻ bước vào tuổi mới lớn, sẽ rất khó để có thể tránh khỏi việc đôi lúc trẻ sẽ cự cãi với cha mẹ, mặc dù đôi lúc việc này sẽ khiến bạn tức giận và không muốn vướng vào những cuộc cãi vã không có hồi kết này.
Vì vậy, thay vì tránh né, hãy thẳng thắn trao đổi với trẻ về những thứ khiến trẻ cảm thấy bức tức và khó chịu bởi đây là những thứ giúp trẻ xả bớt những áp lực từ trường lớp cũng như từ các mối quan hệ xung quanh.
Tuy nhiên, trong những cuộc tranh luận với trẻ, các bậc phụ huynh không nên quá áp đặt và khắt khe cũng như bắt con cái phải làm theo những điều mình muốn. Những cuộc tranh luận này chính là cơ hội để trẻ có thể học cách thể hiện mình.
9. Không nên áp đặt sự hoàn hảo lên trẻ
Không có ai là hoàn hảo cả vì vậy đừng đặt ra những mục tiêu quá sức đối với trẻ và bắt trẻ phải làm mọi cách để đạt được những mục tiêu này. Điều này không chỉ khiến các bậc cha mẹ mà cả trẻ cũng trở nên mệt mỏi và luôn phải đối mặt với những áp lực không đáng có.
10. Học cách hiểu tâm lý của trẻ
Đa số những bậc cha mẹ đều cho rằng mình hiểu rõ con cái của mình như lòng bàn tay song điều này trong một số trường hợp lại khiến cha mẹ và con cái trở nên xa cách; đặc biệt là đối với những trẻ gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc, ít nói cũng như ít chia sẻ với những người xung quanh.
Những trẻ ở dạng này luôn tỏ ra bình thường trước mặt mọi người, kể cả với cha mẹ mình song các em lại luôn phải tự cố gắng để tìm ra cách giải quyết những vấn đề mình gặp phải. Vì vậy, nếu các bậc phụ huynh luôn cho rằng mình quá hiểu con cái và cho rằng các em hoàn toàn không gặp phải vấn đề gì thì điều này không ít thì nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Theo đó, các bậc cha mẹ cần học cách nắm bắt tâm lý của trẻ và lưu tâm tới những thay đổi trong hành vi của trẻ dù là nhỏ nhất để có thể đưa ra những lời khuyên và giúp trẻ vượt qua những vấn đề của trẻ.
Nguồn (theo livescience)

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

8 CÂU "THẦN CHÚ" ĐỂ DẠY CON NGOAN

1. Ba/mẹ yêu con!
Đây là câu nói con bạn muốn nghe hơn bất cứ điều gì, nếu kèm theo một cái ôm-hôn thì càng ý nghĩa. Đừng tiết kiệm lời yêu thương với con cái, vì chúng cần và xứng đáng được nghe mỗi ngày. Hơn nữa, trẻ sẽ học việc bày tỏ yêu thương này từ chính bạn. Sẽ thật tuyệt vời nếu mỗi ngày bạn cũng nhận được những lời “tỏ tình” từ bé: Con yêu ba/mẹ lắm!


Hãy thể hiện tình yêu thương với con trẻ bằng cả lời nói và cử chỉ
2. Nếu con không muốn ăn thì thôi nhé!
Tôi có một người bạn có con biếng ăn, hôm nào hai mẹ con cũng đánh vật với nhau cả tiếng để hoàn thành bữa ăn của bé. Một lần, nghe lời khuyên từ bạn bè, khi bé không hợp tác trong bữa ăn nữa, cô bạn tôi nhẹ nhàng nói: “Nếu con không muốn ăn thì thôi nhé!”. Như một câu thần chú, cả ngày hôm đó cả hai mẹ con đều vui vẻ, thoải mái mặc dù con bé không ăn được thêm miếng nào. Nhưng bữa ăn tiếp theo, bé đã bớt vùng vằng và mẹ bé cũng đỡ áp lực.
3. Con thử làm lại xem!
Trẻ rất dễ nản lòng nếu làm việc gì đó không thành, ví dụ, bé loay hoay mãi mà không ráp được bộ lego ưa thích. Thay vì mặc kệ hay mắng con "dở ẹc không biết làm gì cả", bạn hãy ngồi xuống bên con và khuyến khích: con thử làm lại xem, con thử lắp miếng này vào nhé… Bé sẽ lấy lại phong độ nhanh chóng và hào hứng với công việc dang dở.
4. Con có mệt nhiều không?
Mỗi khi con than mệt sau mỗi lần chơi đùa, tôi thường mắng: “Ai kêu con giỡn nhiều/ Cho con chừa tật mê chơi”. Một lần, khi tôi cũng kiệt sức sau một ngày làm việc căng thẳng, cậu con trai 4 tuổi của tôi đến ngồi cạnh, đắp chăn, xoa trán và vuốt tóc tôi hỏi khẽ: “Mẹ mệt hả? Mẹ uống nước đi cho đỡ mệt”. Còn hơn cả liều thuốc bổ, hành động của bé khiến mọi mệt mỏi trong tôi như tan biến. Con cái chúng ta cũng cảm thấy điều này khi cha mẹ chăm sóc thay vì trách móc mỗi khi bé thấy mệt.
Dạy trẻ biết lắng nghe và quan tâm đến người khác
5. Hôm nay con đi học có vui không?
Mặc dù bạn thường xuyên không nhận được câu trả lời thỏa đáng của những cô bé, cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo, nhưng đây là câu hỏi con bạn rất muốn nghe cho đến khi chúng lớn. Đó cũng là cách bạn đồng hành cùng con và trở thành người bạn thân của con mình ngay cả khi chúng bước vào tuổi ẩm ương.
6. Con nói đi, ba/mẹ nghe đây!
Bận rộn quá khiến cha mẹ không còn thời gian lắng nghe con, mặc cho bé “độc thoại”. Hãy tôn trọng con bằng cách dừng lại và lắng nghe con khi con bạn có vấn đề cần giải quyết. Bé sẽ cảm thấy được tôn trọng và sẽ nuôi dưỡng sự tự tin.
Hãy dành thời gian trò chuyện với con hàng ngày
7. Con đang cảm thấy buồn?
Một điều cha mẹ ít quan tâm, đó là tập “dán nhãn cảm xúc” cho trẻ. Trẻ chưa điều khiển cảm xúc của mình là một lẽ, nhưng các bậc phụ huynh cũng chưa thật sự quan tâm đến việc xác định giúp cho trẻ trạng thái mà con bạn đang gặp phải. Khi con đang buồn, đang giận, đang bực mình… bạn hãy hỏi bé cảm thấy thế nào, vì sao lại thế và nếu bạn cùng bé giải tỏa tâm trạng ấy thì càng tốt.
8. Ba/mẹ cám ơn/xin lỗi con!
Cha mẹ là tấm gương để trẻ học hỏi, nên nếu muốn con mình lễ phép thì chính cha mẹ phải là người có phép tắc trước đã. Hãy cám ơn khi bé giúp bạn, đừng quên xin lỗi con khi bạn sai.

Nguồn: http://www.webtretho.com

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

MÁCH MẸ CÁCH CHỌN THỨC ĂN ĐÚNG THEO GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA BÉ



Nuôi con không chỉ đòi hỏi mẹ phải kiên nhẫn mà còn cần phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức để chọn những loại thức ăn phù hợp theo đúng độ tuổi, đúng giai đoạn phát triển của bé. 


Mẹ biết không, việc cung cấp dinh dưỡng cho bé ngay từ thời điểm bắt đầu tập ăn dặm, làm quen với thức ăn rất quan trọng. Vì nếu mẹ chọn được cho bé những loại thức ăn phù hợp, cung cấp đầy đủ dưỡng chất thì bé sẽ tránh được nguy cơ nằm trong số 50% trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng để phát triển trí não và chiều cao (theo kết quả khảo sát của SEANUTS ở khu vực Đông Nam Á). 
Mẹ cần tham khảo những loại thực phẩm phù hợp theo từng độ tuổi của bé dưới đây để đảm bảo cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho con nhé! 

Từ 0-6 tháng tuổi: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn thiện nhất
Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là lựa chọn hoàn hảo bởi nó mang đến nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Lợi ích đầu tiên phải kể đến là sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp tăng sức đề kháng, chống lại nhiễm trùng đường tiêu hóa cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, khả năng vận động của bé cũng được tăng cường nhờ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Việc cho bé bú còn giúp gắn kết tình cảm giữa mẹ và con.

Từ 6-7 tháng tuổi: Ngũ cốc, quả bơ và khoai lang là những thực phẩm “chuẩn”
Ngũ cốc giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa và phòng chống được nhiều bệnh. Độ tuổi này, bé chưa mọc răng hàm nên cần ăn mềm, các loại ngũ cốc trong giai đoạn này chủ yếu là gạo nấu cháo hoặc gạo xay thành bột ăn dặm. Mẹ cũng có thể chọn các loại bột như yến mạch vừa thơm vừa dễ ăn cho bé để tăng cường chất sắt. 




Bơ tốt cho sức khỏe của bé
Giai đoạn này có thể cho bé tập làm quen với các loại trái cây, mà quả bơ là “ứng viên” đầu tiên nên thử. Bơ dồi dào protein, chất xơ, axit folic, kẽm, riboflavin, thiamin, vitamin A, E, D… mà không có loại trái cây nào sánh bằng. Nghiền mịn quả bơ hoặc hòa cùng các loại ngũ cốc, rau củ khác sẽ giúp bé thêm ngon miệng.

Theo Nutrition Action Healthletter, trong hơn 58 loại rau củ chứa các vi chất như vitamin A, C, Folate, sắt và canxi thì khoai lang là thực phẩm đứng đầu. Các chất này giúp bé mắt sáng, cao lớn và phát triển trí não. Đặc biệt, chất xơ trong khoai lang giúp bé tránh được táo bón. Đó là lý do mẹ không thể bỏ qua khoai lang vào thực đơn cho bé trong giai đoạn này.

Từ 7-9 tháng tuổi: Các loại thịt là thức ăn phù hợp
Giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé cơ bản đã có thể thích nghi được với các loại thịt nên mẹ có thể bổ sung cho bé các loại thịt nạc như heo, bò, gà để tăng cường đạm, sắt, kẽm, vitamin. Mẹ cần cho bé ăn cả thịt và nước hầm xương để đủ chất, thay vì chỉ dùng nước hầm để nấu cháo như thói quen trước đây. Mẹ cũng đừng nóng vội cho bé ăn quá nhiều thịt mà chỉ nên từng ít một để cơ thể trẻ làm quen và tăng dần khẩu phần lên.




Bổ sung thịt cho bé từ giai đoạn 7 tháng tuổi

Từ 9-12 tháng tuổi: Sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa của bé
Là một chế phẩm từ sữa, có nguồn gốc động vật, sữa chua chứa nhiều lactase tốt cho đường ruột của bé. Bên cạnh đó, trong sữa chua có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho trẻ như protein, chất béo, canxi, phot pho, kali và i-ốt. Ngoài ra một số loại sữa chua còn bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng như vitamin D, sắt, kẽm… đều cần thiết và quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.

Từ 1 tuổi trở đi: Tập dần với những loại thức ăn như người lớn
Giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ đã tương đối hoàn thiện, có thể tiếp nhận những thức ăn khó tiêu như sữa đậu nành, mật ong hay các loại thủy hải sản để đa dạng thực phẩm và đảm bảo dinh dưỡng. Nhưng mẹ nhớ chỉ cho bé ăn từng chút một để làm quen, nếu thấy cơ thể bé có dấu hiệu không tiếp nhận thì nên dừng ngay.



Nguồn: http://www.webtretho.com/