Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRẺ TỪ 3 ĐẾN 4 TUỔI


      Khi bé được 3 tuổi là thời kỳ việc giáo dục tập trung vào việc dậy trẻ ghi nhớ là chủ yếu, song từ thời kì này phải chuyển sang giáo dục tư duy cho trẻ...
      Các bạn phải biết trước một điều rằng càng cho trẻ 3 tuổi chơi trò chơi tư duy, càng khiến trẻ trở thành người có khả năng tư duy cao, chỉ số thông minh cao.
     Vì vậy, vào thời kì này, đồ chơi cho trẻ không chỉ là việc vặn cái ốc vít, hay chơi đồ chơi chạy bằng pin… mà phải cho trẻ những món đồ chơi vận dụng đầu óc suy nghĩ mới được. Đồ chơi thích hợp cho trẻ ở độ tuổi này là những trò chơi để trẻ tự suy nghĩ, tự lắp ráp, sáng tác ra những đồ vật mới.
     Ví dụ như bộ đồ chơi 3 miếng gỗ dẹt hình tam giác bằng 3 màu khác nhau (xanh, đỏ, vàng) là đồ chơi rất bổ ích. Với 3 miếng gỗ này, bạn cho con bạn xếp thành tàu, xe, chim, thú, côn trùng… thì đó là một trò chơi hết sức bổ ích.
Thời kì 3 tuổi, cùng với khả năng tư duy, kĩ thuật của trẻ cũng phát triển vượt bậc. Các bạn nên cố gắng hết mức có thể để trẻ có thể dùng đầu ngón tay vào những việc cần kĩ thuật tỉ mỉ càng nhiều càng tốt.
       Ví dụ như cho trẻ dùng kéo, cho trẻ dán bằng hồ dán, chơi gấp giấy, chơi lấy dây (1 sợi dây thắt nút làm 1 vòng lớn, đan qua đan lại bằng các ngón tay, biến thành nhiều hình dạng khác nhau), cài cúc áo cúc quần, buộc dây…chẳng hạn. Cho trẻ chơi những trò như vậy sẽ khiến trẻ trở thành người có các ngón tay cực kì khéo léo. Sự khéo léo của các ngón tay có thể sánh được với mức độ thông minh của trẻ. Ngược lại, trẻ không dùng tay thuần thục được sẽ thành người vụng về. Vào thời kì này, các bạn không được quên việc dạy cho trẻ cầm đũa được, tự cởi mặc quần áo.
Vào thời kì kĩ thuật phát triển này mà cho trẻ đạp xe 3 bánh, đu xà đơn, vẽ tranh, đánh đàn piano, chơi bàn tính gẩy hạt thì cực kì hợp lí. 
       Trẻ trong độ tuổi 3 đến 6 tuổi có khả năng nhớ từ ngữ cao nhất trong suốt cả cuộc đời. Cho nên, trong thời kì này, dạy ngoại ngữ cho trẻ là thời điểm lí tưởng...
Về việc dạy ngoại ngữ cho trẻ em ở độ tuổi này, học giả Starn đã nói “Một lợi ích to lớn khi dạy ngoại ngữ cho trẻ em ở độ tuổi này là, đây cũng là độ tuổi trẻ học tiếng mẹ đẻ, nếu dạy luôn ngoại ngữ thì đồng thời trẻ nhập tâm tiếng nước ngoài cũng theo cách thức như tiếng mẹ đẻ”. Còn nhà sinh học tâm lí Leoporlter thì nói “ Học ngoại ngữ sau 10 tuổi không phải là không thể, nhưng sẽ rất khó có thành tích xuất sắc. Là bởi vì, nó mang tính phản sinh lí”.
        Thời kì chín muồi với ngôn ngữ là từ 3 đến 6 tuổi, dạy ngoại ngữ là việc tự nhiên, nhưng việc dạy từ ngữ khó của tiếng nước ngoài nhìn từ góc độ tâm lí học phát triển của não là quá sức.
Vào thời kì này, cho trẻ nghe tiếng nước ngoài, trẻ tự nhiên nhập tâm được phát âm, ngữ pháp chính xác của ngông ngữ đó như một bản năng sinh lí, chúng được lưu cất vào bộ nhớ trong não bộ. Sau đó có không học ngoại ngữ đó nữa, thì sau này, khi có dịp học lại ngoại ngữ đó thì trẻ vẫn bật ra tiếng ngoại ngữ đó với giọng phát âm chuẩn.
        Một hôm, tôi nói chuyện với một phụ nữ ngồi cùng ghế trên tàu điện. Bà ấy kể rằng “hồi tôi học cấp 3, có một người bạn nói tiếng Anh với giọng cực kì chuẩn, thành tích học môn tiếng Anh của bạn ấy cũng cực kì xuất sắc. Bạn ấy trong thời gian từ 2 đến 5 tuổi đã từng sống ở Mỹ với bố mẹ. Còn trong lớp của tôi cũng có một bạn quốc tịch Hàn quốc. Người bạn này nói tiếng Nhật trôi chảy, lưu loát chẳng khác gì người Nhật cả. Nhưng khi đến nhà bạn ấy chơi, chúng tôi mới vỡ lẽ bà mẹ thì nói tiếng Nhật ngúc nga ngúc ngoắc, phát âm sai nhiều chỗ. Bà mẹ sống ở Nhật lâu hơn con mà. Thế mới thấy không phải cứ ở lâu mà nói giỏi được đâu phải không ạ?” Câu chuyện của người phụ nữ đồng hành kể trên, như là một xác nhận cho việc dạy ngoại ngữ cho con trẻ vào thời kì thích hợp có tác dụng đến nhường nào.
Theo Babymart.vn
 — tại Trung tâm Phát triển Năng khiếu Viettalentkids.

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA LỨA TUỔI 3, 4, 5




Trẻ 3 tuổi
            Trẻ 3 tuổi có cái nhìn về thế giới rộng mở hơn, các khái niệm về thời gian và không gian bắt đầu có những biến đổi thú vị. Các bé bắt đầu hiểu được sự phức tạp của thế giới xung quanh và nhận ra sự khác nhau giữa thực và giả. Chúng thường hỏi những câu kiểu như “Buổi tối chim có đi ngủ không mẹ?”, “Hồi ba còn nhỏ thì có con khủng long không?” và “Mấy cô chú trong TV đó là người thiệt hay giả bộ vậy mẹ?”
         Với chúng, quá khứ được phân thành: hồi nãy, hôm qua, tuần trước, tháng trước, hồi xưa, hồi ba mẹ nhỏ xíu... Tương lai thì được chia thành: ngày mai, sắp… rồi, hay mai mốt con lớn. Mặc dù có thể không biết tên của các mùa trong năm nhưng trẻ 3 tuổi đã bắt đầu tìm ra các mối tương quan, chúng có thể liên tưởng mùa hè với tiết trời oi bức, cả nhà đi du lịch tắm biển, mùa thu với lá vàng và Tết Trung Thu…
        Giống như thời gian, không gian được chia thành nhiều loại: Có những nơi gần và ta có thể đi bộ đến; có những nơi xa không thể đi bộ được; và cũng có những nơi rất rất xa, như châu Phi, mặt trăng. Các bé cũng chia mọi người xung quanh theo mức độ già trẻ, chẳng hạn như con nít, người lớn đi làm, người già ở nhà
người già ở nhà. Các sự vật có thể sống hoặc không, người và loài vật có thể sống hoặc chết, và mọi thứ có thể thật hoặc giả.
        Tới 3 tuổi, các triệu trứng “bướng bỉnh trẻ lên 2” sẽ dần hết và trẻ sẽ đằm tính hơn. Trẻ 3 tuổi có khả năng tập trung tới vài phút để làm một việc gì đó và thích chơi đùa với các trẻ khác hơn. Tới thời điểm này, trẻ cũng biết biểu lộ nhiều dạng cảm xúc hơn. Chúng có thể buồn hoặc tỏ ra đăm chiêu, có thể ganh tị, cảnh giác, sợ hãi hoặc hài lòng, vui vẻ, khoái chí. Các bé cũng nắm bắt được nhiều hơn cảm xúc của người khác. Chúng biết nên làm cho người lớn hài lòng, với một động lực hết sức mạnh mẽ là được người khác khen ngợi và yêu thương. Mặc dù trẻ 3 tuổi có khuynh hướng ít giận dữ hơn trẻ lên 2, nhưng khi mệt hoặc đói thì chúng cũng không ngoan được đâu.
Trẻ 4 tuổi
         Trẻ 4 tuổi ngày càng ý thức mình là một thành viên trong một tập thể. Chúng dành phần lớn thời gian để tạo dựng và giữ vững vị trí với các trẻ đồng trang lứa. Chúng cũng dễ dàng sử dụng vốn từ vựng của mình để khen, chê và “chỉnh” những đứa trẻ khác nhằm hướng sự chú ý vào khả năng của chúng và thuyết phục các bạn cùng chơi chấp nhận ý tưởng mà chúng đưa ra.
         Trẻ 4 tuổi thích chơi với trẻ khác, có thể dọa dẫm hoặc hứa hẹn để giành lấy một đứa bạn hoặc để được “kết nạp” vào một nhóm bạn. Vậy nên ở trường mẫu giáo, bạn có thể rất hay nghe thấy những câu như “Mình làm bạn của nhau nhé” và “Mình không chơi với bạn đâu.”
         Trẻ 4 tuổi cần nhiều không gian để chơi, vì trò nào chúng cũng có thể chơi được cả, đặc biệt là thích trò “siêu nhân” và “quái vật”. Mặc dù đã biết chia sẻ đồ chơi với nhau và thay phiên chơi chung một món đồ nhưng chuyện giành đồ chơi giữa các bé 4 tuổi vẫn xảy ra như cơm bữa. “Chiến tranh” thường bắt đầu bằng việc cãi nhau rồi kết thúc bằng xô đẩy, đấm, đá. Thường thì các bé cũng không thể làm nhau đau lắm đâu, nhưng người lớn vẫn phải canh chừng.
          Lên 4 tuổi, bé thích khám phá những điều mới lạ như đu xích đu, nhớ tên các loại khủng long, đếm từ 1 tới 20, và chơi game trên máy tính. Chúng tin vào những gì chúng nhìn thấy, nghe thấy và chạm tay vào. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghĩ rằng ly nước trái cây của nó ít hơn của bạn thì có nghĩa là ly của bạn thật sự nhiều hơn, dù cả 2 ly đều được rót từ 2 hộp như nhau. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghe thấy tiếng một con quái vật đang gầm gừ dưới giường thì có nghĩa là thật sự có một con quái vật ở dưới giường, mặc cho bố mẹ có giải thích đến đâu chăng nữa..
Trẻ 5 tuổi
         Trẻ lên 5 có thể kiên trì vẽ cho đến khi được bức tranh như mong muốn.
Trẻ 5 tuổi dường như lớn hẳn lên trên nhiều phương diện. Giống như khi 4 tuổi, trẻ 5 tuổi thích khám phá những điều mới lạ, nhưng chúng có thể kiên trì luyện tập để thành thục hơn. Ví dụ khi vẽ một cái cầu vồng, một ngôi nhà hay tự họa chân dung, chúng có thể cố gắng vẽ đến khi nhìn được bức tranh như chúng muốn.
         T rẻ 5 tuổi cũng thích chơi trò đóng vai các nhân vật khác, nhưng ở mức độ công phu hơn. Trước khi chơi, trẻ thường chuẩn bị các đạo cụ để đảm bảo câu chuyện được diễn ra theo một trình tự hợp lý. Nếu mở “show trình diễn”, chúng sẽ làm sân khấu, bán vé và thay đổi phục trang trước khi trình diễn. Mở màn, chúng có thể sẽ bước lên sân khấu giới thiệu nội dung của buổi diễn, sau đó diễn một vài cảnh, rồi kết thúc bằng việc cúi đầu chào kiểu cách kèm theo những tràng pháo tay rộ lên.
Trẻ 5 tuổi thích dùng và diễn giải các ký hiệu, biểu tượng. Hầu hết trẻ ở độ tuổi này rất nghiêm túc muốn học hỏi, và một số có thể học các cơ chế đọc viết nhanh hơn những đứa khác. Chúng thích tự mình đọc menu và gọi món, diễn giải các biển báo giao thông, tự viết danh sách các món đồ cần mua, và tự viết tên lên nhãn tập hoặc các bức tranh do chúng vẽ. Chúng có thể hình dung ra trong đầu những vấn đề đơn giản và có thể nắm bắt khái niệm cộng trừ, dù có thể chúng phải xòe tay ra đếm trước khi trả lời.
          Những đứa trẻ 5 tuổi có cơ hội sử dụng máy tính thường thích các chương trình tương tác. Chúng có thể hiểu, áp dụng các luật chơi và nếu như mỗi lần trả lời đúng các câu hỏi liên quan đến kỹ năng đọc, viết và tính toán và được máy tính hiện ra câu chúc mừng hoặc khen ngợi chúng thì chúng rất thích thú. Trẻ 5 tuổi thích những chương trình cho phép chúng tự giải quyết vấn đề, để chúng tự sắp xếp các nhân vật trên màn hình rồi tạo ra một chuyện tưởng tượng riêng của chúng, và các chương trình hướng dẫn chúng vẽ, tô màu, làm thiệp sinh nhật và thiệp mời.
          Trẻ ở độ tuổi này rất có thể tự lập kế hoạch vui chơi trước. Chúng chọn bạn bè tham gia trò chơi dựa trên tiêu chí cùng chung sở thích. Những đứa trẻ thích các trò chơi năng động sẽ chọn chơi các trò leo trèo, chạy và đuổi bắt, chơi bóng hoặc đua xe. Những đứa trẻ thích các trò chơi tĩnh hơn thì sẽ chơi cát, tìm côn trùng hoặc thằn lằn, chơi đóng kịch hoặc tụm lại trò chuyện với một đứa bạn khác.
Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Education.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

MẶT TRĂNG CŨNG PHẢI CHẠY THEO CON


Nếu có ai hỏi rằng điều tuyệt vời nhất trong việc làm mẹ là gì, tôi có thể trả lời ngay rằng: Đó là tìm ra những câu trả lời cùng con.

Mặt trăng, chạy theo con
Các con luôn có những câu hỏi “xoáy” khiến cha mẹ bất ngờ
Người lớn thì muốn thành trẻ con và trẻ con thì cứ mong mình sẽ thành người lớn. Vậy nên ngày nào con gái cũng hỏi tôi:
- Mẹ ơi, đến bao giờ thì con sẽ thành người lớn?
Thì tôi chỉ cười và nói rằng:
- Đến khi nào mẹ trả lời hết các câu hỏi của con.
Mới đầu, những câu hỏi của các bạn nhỏ thật ngộ nghĩnh và chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn một chút là có thể trả lời được, kiểu như:
Con: Mẹ ơi, tại sao con khỉ lại trèo cây?
Mẹ: Để nó tìm chuối
Con: Tại sao con khỉ lại tìm chuối?
Mẹ: Vì nó thích ăn chuối.
Con: Tại sao con khỉ lại thích ăn chuối?
Mẹ: Vì ăn chuối sẽ khỏe mạnh.
Con: Tại sao con khỉ lại cần khỏe mạnh?
Mẹ: …Ừ, khỏe mạnh để nó có thể trèo cây.
Nhưng đến khi các con lớn hơn, bắt đầu đi học, bắt đầu tiếp xúc với nhiều bạn cùng lớp, cùng trường, tự chúng sẽ nhận ra những cách trả lời khác biệt cho từng sự vật, hiện tượng.
Con: Mẹ ơi, tại sao bố bạn Th bảo là trên mặt trăng không có Chị Hằng Nga với chú Cuội, thế mà mẹ lại bảo là có?
Mẹ: Bố bạn Th đã lên mặt trăng chưa con?
Con: Chưa ạ.
Mẹ: Vậy con đã lên đó chưa?
Con: Cũng chưa mẹ ạ
Mẹ: Vậy nếu chưa lên được đó, thì sao con không nghĩ đến những điều con muốn có nhất trên đó?
Con: Con thích trên mặt trăng có chị Hằng và chú Cuôi.
Mẹ: Mẹ cũng thích nghĩ như vậy hơn.
Mặt trăng, chạy theo con
Nếu đứng ở một nơi thích hợp, đến mặt trăng cũng phải chạy theo con
Và muốn tìm hiểu những khác biệt giữa mình và người khác. Để con biết rằng dù bản thân chưa phải tốt nhất nhưng là đặc biệt nhất và đáng trân trọng. Con sẽ không còn mặc cảm tự ti khi thấy da mình không trắng, miệng mình cười kém tươi hay giọng hát của mình không hay theo cách nghĩ của nhiều người:
Con: Mẹ ơi, người ta bảo con không xinh giống mẹ.
Mẹ: Tất nhiên, vì con xinh giống con mà.
Con: Nhưng mọi người nói nếu con giống mẹ thì con sẽ xinh hơn.
Mẹ: Con rất đặc biệt và quan trọng, nên con không phải giống ai cả, dù người đó có là mẹ .
Nếu hiểu những giá trị của mình, thì con sẽ biết rằng khi đứng ở một nơi thích hợp, đến mặt trăng cũng phải chạy theo con.
Nhưng điều khó khăn nhất mà chẳng cuấn sách làm cha me nào có thể dậy bạn, đó chính là giúp con hiểu sự khác biệt giữa cuộc sống và những gì con thấy trong truyện cổ tích. Không phải cứ buông thong một câu: “Đời mà!” như khi nói chuyện với một người lớn. Các con cần lời giải thích đúng đắn, hợp lý và có thể hiểu được ở tầm tuổi ấy.
Con: Mẹ ơi, có phải người tốt sẽ luôn gặp may mắn không mẹ?
Mẹ: Nhưng làm sao con biết được đâu là người tốt ?
Con: ...
Mẹ: Mẹ nghĩ ai cũng có thể gặp khó khăn, nhưng người tốt là người dù gặp tình huống xấu thì họ vẫn cứ tốt. Ví dụ như một người tốt thì dù nghèo đến chả còn gì để ăn, họ cũng trả lại số tiền nhặt được chẳng hạn.
Con: Vậy là người tốt cũng có thể không gặp may mẹ nhỉ?
Mẹ: Ừ, đôi khi phải qua những thử thách ta mới biết bản thân mình tốt đến đâu.
***
Vậy đó, nếu có ai hỏi rằng điều tuyệt vời nhất trong việc làm mẹ là gì, tôi có thể trả lời ngay rằng: Đó là tìm ra những câu trả lời cùng con. Vì làm gì có ai biết tất cả mọi thứ trên đời.
(Theo Facebook Yêu thương và tự do)

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

BẠN ĐÃ BIẾT CÁCH KHEN NGỢI CON CHƯA?

       Khen ngợi trẻ là một trong những việc làm mà các bậc cha mẹ cần chú ý quan tâm. Bạn hãy biết tận dụng cơ hội để khen ngợi, cổ vũ những việc làm tốt của con trẻ. Những lời khen còn đáng giá hơn bất cứ phần thưởng nào cha mẹ dành cho con cái. Thế nhưng, quá lạm dụng lời khen lại có thể gây phản tác dụng...
        Mỗi ngày, bé Anh Ngọc được mẹ đưa qua nhà bà ngoại chơi rồi ở đó đến cuối ngày khi ba mẹ đi làm về mới qua đón. Bà ngoại của Anh Ngọc lại rất khéo, thường xuyên áp dụng chính sách cho bé Anh Ngọc "ăn bánh phỉnh" mỗi khi cần bé thực hiện điều gì đó, chẳng hạn như muốn bé ăn nhiều, hay muốn bé hát một bài nào đó...Buổi tối bé Ngọc ở cùng ba mẹ, do ban ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi nhiều khi mẹ bé không quan tâm nhiều và để ý đến thái độ của bé, mẹ muốn bé tập viết chữ nhưng "ra lệnh" theo nguyên tắc "cứng nhắc" nên bé tỏ thái độ rất hờ hững và có phần hơi bất hợp tác.Có bữa về sớm qua nhà bà ngoại, mẹ bé nghe bà ngoại phản ứng: "Trẻ con rất hảo ngọt, chúng rất khoái được khen ngợi, nói ngọt ngào với chúng. Mình phải tâm lý một chút sẽ hiểu được chúng và bé sẽ nghe theo mình thôi..." khi chị quát bé Ngọc không được nghịch bẩn.
     Từ câu chuyện trên đặt ra vấn đề: liệu với bất cứ sự việc nào các bậc cha mẹ đều "phải" khen trẻ để chúng ngoan, nghe theo lời của cha mẹ?
Bé thích "ăn bánh phỉnh"
         Các bậc cha mẹ không nên quên tâm lý của trẻ là thích được dỗ ngon dỗ ngọt, được khen hơn chê. Cha mẹ biết khen đúng chỗ, động viên đúng lúc, cổ vũ những việc làm tốt của con trẻ sẽ khiến cho con mình phấn khởi, vui vẻ và sẽ dễ dàng nghe lời dạy bảo của cha mẹ hơn.Nếu sử dụng đúng mức, đúng cách, khen ngợi trẻ là cách để duy trì hành vi tốt của trẻ và bé sớm nhận thấy rằng lời khen ngợi của cha mẹ là phần thưởng, là sự khuyến khích đối với bé. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ thường có xu hướng khen ngợi trẻ bừa bãi, nhất là khi họ khen ngợi những cố gắng của trẻ, điều này có thể khiến những lời khen ngợi đó dần mất đi giá trị.Vấn đề ở đây không phải là bạn khen bé điều gì mà là cách bạn đưa ra lời khen ngợi như thế nào. Bạn cần đưa ra những lời khen ngợi cụ thể và hãy chú ý tới bé khi bạn khen bé. Bạn càng khen ngợi cụ thể bao nhiêu thì càng dễ truyền tải những thông tin quan trọng tới con bấy nhiêu. Những lời khen cụ thể còn đáng giá hơn bất cứ phần thưởng nào cha mẹ dành cho con cái. Khi bé thu dọn đồ chơi, bạn có thể khen ngợi bé là một cô bé, cậu bé gọn gàng, ngăn nắp thay vì chỉ khen ngợi chung chung như "Con ngoan quá!", "Con giỏi quá"... Với những lời khen ngợi cụ thể, bé sẽ biết chính xác bé đã làm điều gì đúng. Có thể là "Cảm ơn con đã nhặt rau, lau bàn giúp mẹ", "Mẹ rất vui khi con chào hỏi lễ phép với ông bà!"... Những câu nói đơn giản đó lại có sức mạnh kỳ lạ, tạo sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái.
        Với trường hợp của bé Anh Ngọc, bà ngoại của bé là một người có kinh nghiệm nuôi dạy con nhỏ nên ngoài việc thường xuyên khen ngợi bé trong những việc làm cụ thể, chẳng hạn như "bé tự mặc áo được rồi, bé ngoan quá", hay "hôm nay bé giỏi quá đã không đi dép ngược rồi"..., bà còn hay dùng những lời lẽ ngọt ngào, nhẹ nhàng để chỉ bảo bé nên bé "chỉ thương bà ngoại nhất trên đời".
        Theo các nhà tâm lý, lời khen đối với trẻ rất quan trọng, đó là yếu tố động viên - khích lệ và tạo cho trẻ sự tự tin cần thiết trong cuộc sống. Một em bé vừa chập chững biết đi, ba mẹ vỗ tay khen "cố lên, con sắp đi được rồi", nó hiểu rằng việc nó cố gắng đi đang được khuyến khích.Con trẻ được điểm mười ở môn tập viết nhận được lời khen của mẹ "con viết chữ ngay ngắn thẳng hàng, đẹp lắm con ạ", nó hiểu rằng "tài năng" của nó được công nhận...
Mặt trái của lời khen
       Con cái rất thích được khen thưởng, nhất là khi nó biết bạn nhận ra các giá trị và tài năng của chúng. Nhưng bạn sẽ phá bỏ niềm tin của chúng nếu cứ mỗi chút gì bạn cũng biến chúng thành "ngôi sao", đưa chúng lên tận mây xanh, dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ cũng thế. Khen con không đúng chỗ có cái hại đầu tiên là tập cho con cứ mãi ngóng trông một lời khen cho một hành động không có gì để đáng khen cả. Do đó, các phụ huynh cần lưu ý khi khen ngợi con. Tuyên dương lúc trẻ có hành động đúng mực chính là một động lực giúp trẻ ngày càng xuất sắc hơn. Những lời khen sáo rỗng, bừa bãi, không đúng với khả năng của trẻ sẽ khiến bé ngộ nhận về bản thân.Vẫn biết rằng bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình là số một, nhưng nếu bạn thường áp đặt suy nghĩ của bản thân lên trẻ thì có thể khiến chúng mất khả năng sáng tạo và không thể định hướng cho mình.
        Vào đầu năm lớp 3, buổi học đầu tiên, với mong muốn con mình mạnh dạn hơn, tự tin hơn, bé Gia Bảo được mẹ khuyến khích "... khi lớp bầu chọn lớp trưởng thì con nhớ giơ tay tự nhận làm lớp trưởng nhé, chắc chắn con sẽ làm tốt mà!"... Nhưng qua một thời gian ngắn với bản tính nhút nhát, ít nói, bé Gia Bảo đã không bộc lộ được những tính cách của một lớp trưởng xông xáo, bạo dạn, khiến nhiều bạn học trong lớp phản ứng lại mỗi khi lớp trưởng thông báo điều gì và trong cả thời gian học tập, khiến cho cô giáo chủ nhiệm phải họp lớp để bầu chọn lớp trưởng mới. Chính chuyện này đã khiến cho bé Gia Bảo bị "sốc" một thời gian dài mới lấy lại được bình thường. Vấn đề ở đây là nếu bố mẹ mong muốn hay tâng bốc con mình quá mức sẽ khiến trẻ xấu hổ vì thấy mình chưa đạt đến điều đó hoặc khiến con cái sống trong ảo tưởng về bản thân.
Có nhiều trường hợp người mẹ đi đâu cũng tự khen con mình học giỏi nhất lớp khiến cho đứa con đi đâu cũng thấy ngượng ngùng, vì thực ra mình chưa đạt đến mức đó. Nếu bạn cho rằng khen chỉ là để lấy lòng trẻ hay khen lấy lệ thì những lời khen đó sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa... Nếu để ý chúng ta rất dễ nhận ra rằng, đối với hầu hết các đứa trẻ trong gia đình, việc khen ngợi trẻ thường xuyên có thể có tác dụng trong một thời gian nhất định khiến chúng làm mọi việc tự giác và hào hứng hơn, nhưng rồi sau đó dường như những đứa trẻ cứ "nhờn" dần và chẳng còn hứng thú với những lời khen cứ được lặp đi lặp lại mãi.
Khen con chân thành, đúng đắn
Thật ra, nhiều bậc phụ huynh đều biết lời khen có tác dụng rất tốt trong việc dạy bảo con cái nhưng nếu không biết cách, những lời nói ấy sẽ không hiệu nghiệm và có khi còn phản tác dụng.Vì thế, những lời khen chân thành, cụ thể đều tốt cho con bạn vì chúng đem lại lòng tự tin, kích thích tính sáng tạo, thúc đẩy động cơ học tập, lao động và củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Nhưng các bậc phụ huynh cũng nên biết chỉ khen ngợi con trong các trường hợp đúng đắn. Làm như thế sẽ mang đến lợi ích nhất định, giúp trẻ càng cố gắng hơn để bù đắp khiếm khuyết và phát huy ưu điểm của bản thân. 


Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

CÁCH TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ LÊN 5

Theo cô Trần Thị Nga - Giáo viên Trường Mầm non Thị trấn, (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), nếu trẻ 5 tuổi không được rèn luyện kỹ năng sống trẻ sẽ thiếu tự tin, thiếu ý thức, thiếu sự điều chỉnh trong thái độ và hành vi, không giải quyết được các tình huống khác nhau mà trẻ gặp phải sau này.

Tuy nhiên, việc hình thành kỹ năng cho trẻ không phải thực hiện riêng lẻ trong chương trình, kế hoạch chăm sóc, giáo dục mà được lồng ghép trong quá trình diễn ra hoạt động, làm sao để kỹ năng sống được rèn luyện hình thành và theo trẻ đến suốt cuộc đời.

Hình thành thói quen tốt trong giờ đón trả trẻ

Ngay từ đầu năm học, cô Trần Thị Nga đã tập cho trẻ ý thức tự cất đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp lúc vào lớp cũng như lúc ra về; phân công tổ trưởng kiểm tra xem bạn nào thực hiện chưa đạt để cuối ngày đánh giá, nêu gương, khích lệ động viên cá nhân có cố gắng.

Có thể đưa ra hình thức khen thưởng như cắm cờ, kẹo, tặng quà, để trẻ thực hiện tốt hơn. Từ đó việc cất đồ dùng không còn là “hành động” mà trở thành “ý thức”, trẻ tự thực hiện không cần phải đợi nhắc nhở hay kiểm tra.

Hình thành kỹ năng sống thông qua hoạt động ngoài trời




Ảnh: Giáo viên có thể lồng ghép tích hợp nhiều kỹ năng sống cần thiết qua những hoạt động ngoài trời.

Ví dụ “nhìn ngắm hoa đẹp”, trẻ thể hiện cảm xúc vui vẻ, thoải mái, từ đó trẻ yêu thích cái đẹp, không được hái hoa vì hoa làm đẹp cho thiên nhiên. Hoặc giáo viên sử dụng tình huống để trẻ giải quyết: “Đang đi dạo chơi cùng trẻ thì giáo viên bị ngã”, lúc này giáo viên sẽ dựa vào cách giải quyết của trẻ mà rèn cho trẻ “kỹ năng giúp đỡ chia sẻ”, phải biết đỡ bạn bị ngã. Không những vậy, mà khi đi bất cứ đâu nếu có gặp người lớn tuổi, em nhỏ, người tàn tật thì giúp đỡ, cảm thông với hoàn cảnh của họ.

Hình thành kỹ năng sống thông qua hoạt động học

Giáo viên bồi dưỡng cho trẻ kinh nghiệm sống, nhân cách tốt đẹp qua những câu chuyện, bài thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao, bài hát,…Được nghe kể chuyện là điều trẻ rất thích, do đó giáo viên lựa chọn câu chuyện phù hợp để lồng ghép giáo dục.


Chẳng hạn chủ đề Bản thân, với câu chuyện “Giấc mơ kì lạ” có nội dung giáo dục “ăn uống đầy đủ để các giác quan hoạt động”, khi đó cô chuyển tải những thông điệp hãy biết giữ gìn và bảo vệ chính cơ thể mình.
Đối với các hoạt động khác diễn ra trong hoạt động học cũng vậy, giáo viên lựa chọn nội dung phù hợp, kết hợp với phương pháp dùng lời, trẻ được nghe, được đọc cùng với sự giảng giải của cô, trẻ sẽ thấm nhuần ý nghĩa của cuộc sống xung quanh, từ đó tích lũy cho mình những bài học kinh nghiệm. 


Kỹ năng sống trong hoạt động vui chơi

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, trẻ 5 tuổi càng hứng thú và tích cực hơn bởi đáp ứng được nhu cầu. Trẻ được chơi với đồ vật, được trải nghiệm thực tế, là cơ sở vững chắc để hình thành và phát triển, rèn luyện và giáo dục kỹ năng sống.

Trong chủ đề “nghề nghiệp” ở góc phân vai có trò chơi “bác sĩ”, bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân với thái độ vui vẻ, niềm nở, y tá cấp phát thuốc và dặn bệnh nhân uống thuốc đúng giờ. Bệnh nhân bốc số thứ tự và ngồi chờ khám theo lượt, lúc này cô giáo giả bộ đóng vai bà lão đi khám bệnh, bà lão đi sau cùng nhưng được cô y tá dẫn đi khám trước.
Tình huống xảy ra là các bệnh nhân kia không đồng ý, bác sĩ mới ra giải thích: bệnh nhân vui lòng đợi chút, ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ.

Cô Nga cho rằng, trẻ đóng vai bác sĩ đã có kinh nghiệm sống rất tốt và trẻ đã áp dụng ngay trong quá trình chơi, kỹ năng giao tiếp và ứng xử văn minh được thể hiện.

Hoạt động vui chơi diễn ra trong thời gian tương đối dài (40 phút), có rất nhiều tình huống xảy ra, giáo viên cần bao quát và kịp thời can thiệp để điều chỉnh hành vi, giúp trẻ có thói quen tốt, biết được cái nào nên làm, cái nào không nên làm. Lâu dần những thói quen tốt, những hành vi đẹp sẽ được tích lũy và trở thành kỹ năng sống đối với trẻ.

Kỹ năng sống khi ăn, khi ngủ, khi vệ sinh

Trong giờ ăn, ngủ, vệ sinh, kỹ năng tự phục vụ được rèn luyện, được giáo dục thường xuyên nhất.
Chẳng hạn, trẻ biết trước khi ăn là phải rửa tay, tự lấy ghế vào bàn ăn, ăn xong phải đánh răng, tự thay quần áo, xếp quần áo gọn gàng, tự lấy gối và nệm của mình để ngủ, ngủ dậy tự cất đồ dùng.
Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, trẻ tự thực hiện mà không cần giáo viên phải nhắc nhở.
Kỹ năng sống ấy không những được trẻ thực hiện ở trường mà còn thực hiện ở nhà, hay ở bất cứ đâu khi trẻ đi đến.

Sử dụng các tình huống có vấn đề

Một trong những kỹ năng cần hình thành, thì kỹ năng an toàn, tự bảo vệ, giúp trẻ có khả năng biết từ chối, xử lý những tình huống khi thấy không an toàn.
Giáo viên tự đặt ra một số tình huống để trẻ tự giải quyết vấn đề và những tình huống khác, có liên quan cũng được áp dụng trong suốt quá trình chăm sóc trẻ.
Ví dụ, cô kể cho trẻ nghe câu chuyện: Bạn An được mẹ hứa đưa về sớm, nhưng mẹ bận họp đột xuất, chờ mãi mà không thấy mẹ.
An đi ra cổng để đón mẹ, bỗng có một người phụ nữ cho bạn An kẹo và nói: “Hôm nay mẹ bận không đón con được, mẹ nhờ cô chở con về, con ngoan ăn kẹo đi rồi lên xe cô chở con về”.
Giáo viên dừng lại và hỏi trẻ: Bạn An có về với người phụ nữ đó không? Nếu con là bạn An con sẽ xử trí như thế nào? Cho trẻ thảo luận và đưa ra câu trả lời.
Sau đó cô kể tiếp: Bạn An không chịu lên xe, nói là đợi mẹ rướt, bạn An đi trở vào lớp, người phụ nữ nắm lấy áo bạn An, bạn An đã kêu lên thật to “cứu con với, có người định bắt con”, chú bảo vệ chạy tới…
Qua câu chuyện giáo viên rèn cho trẻ biết “không đi theo người lạ dù người lạ có cho bất cứ gì”.

Giáo viên có thể cho trẻ đóng vai các nhân vật trong câu chuyện cô vừa kể để khắc sâu hơn kỹ năng. Ngoài ra giáo viên có thể đặt ra nhiều tình huống khác và tổ chức lồng ghép mọi lúc mọi nơi để trẻ có cơ hội giải quyết và xử lý tình huống như: khi ở nhà một mình (không được mở cửa cho người lạ vào), đi lạc đường (đứng ở nơi trống và kêu thật to), khi bị côn trùng cắn (nói liền với người lớn),…

Trao đổi, hướng dẫn phụ huynh rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ

Theo cô Nga, cha mẹ là tấm gương đầu tiên cho trẻ học tập những thói quen tốt. Việc phối hợp với phụ huynh trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Trong các buổi họp hay nói chuyện với phụ huynh, giáo viên cần trao đổi những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và mang tính thuyết phục.
Giáo viên khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để trẻ tự phục vụ bản thân: Rửa mặt, đánh răng, thay quần áo, tự chọn quần áo, đồ dùng cá nhân chuẩn bị đi học,… Phụ huynh cần dạy trẻ những kỹ năng như: Ghi nhớ số điện thoại ba, mẹ và số điện thoại cần thiết khác như: cứu hỏa, công an, cấp cứu để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân khi gặp nguy hiểm. Phụ huynh hãy cho trẻ được chơi, bày đồ chơi, không cấm đoán hay rầy trẻ, lúc này cần thiết nhất là dạy trẻ phải tự cất đồ chơi hoặc ba mẹ cùng cất với trẻ, tuyệt đối không nên làm thay cho trẻ.

Lưu ý, hãy cho trẻ cùng tham gia công việc trong gia đình, nêu lên hiểu biết và suy nghĩ của mình, từ đó sẽ có hướng điều chỉnh kỹ năng sống phù hợp và đúng hướng.