Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Dạy con kiểu Nhật: Cần bắt đầu từ sớm!

Mẹ có biết phương pháp dạy con kiểu Nhật có thể bắt đầu từ khi bé mới sinh? Dù mới sinh, bé cưng đã có khả năng bắt chước theo cử chỉ, điệu bộ của mẹ. Vì vậy, mẹ có thể luyện tập cho trẻ những bài học đơn giản sau đây giúp kích thích não bộ phát triển

1/ Thử tài bắt chước
Sau khi sinh được 2 tuần trẻ đã có phản ứng bắt trước theo người lớn. Mẹ nên tập luyện cho trẻ để kích thích tế bào thần kinh phản chiếu giúp trẻ nhìn biểu cảm để đoán xem người đối diện đang nghĩ gì.
Cách dạy con rất đơn giản. Mẹ chỉ cần nhìn vào mắt trẻ rồi tập cho bé làm theo hành động của mẹ. Khi mẹ há miệng, bé cũng há miệng. Khi mẹ thè lưỡi, trẻ cũng thè lưỡi theo. Khi bé đã biết làm theo biểu cảm trên gương mặt, mẹ có thể chuyển sang các động tác tay. Đưa tay lên ngang tầm mắt bé, giữ khoảng 20 giây để bé nhìn kỹ rồi bắt đầu nắm vào xòe ra. Thực hiện nhiều lần để trẻ có thể làm theo. Lưu ý dành cho mẹ: Nếu bé làm được, mẹ nên khen, vỗ về để khích lệ.
Dạy con kiểu Nhật
Ngay khi bé được 2 tuần tuổi, mẹ có thể thử bắt đầu phương pháp dạy con kiểu Nhật
2/ Chuyển động xoay tròn
Với các bé trong giai đoạn tập ngồi, té ngã là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mẹ có thể giúp trẻ biết cách ngã an toàn. Nghe có vẻ không hợp lý, nhưng cách tập luyện như vậy có tên gọi là chuyển động tròn. Đây là một trong những kỹ năng nuôi dạy con kiểu Nhật rất hay.
Đặt bé nằm ngửa, sau đó dùng hai tay nắm hai cổ chân để cho người cuộn tròn lại. Động tác này không ảnh hưởng đến xương sống của bé nên mẹ có thể yên tâm. Dùng tay ấn vào phần đùi của bé rồi lắc sang trái, sang phải và lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bé đã dần quen dần, mẹ có thể tăng tốc độ để tạo kích thích lên ống hình bán nguyệt trước và ống hình bán nguyệt sau. Kích thích này sẽ tạo nên “phản xạ mê lộ”, giúp bé tự biết cách ngã an toàn.
3/ Luyện tập thị giác
– Giai đoạn từ 0-1 tháng tuổi
Ngay khi sinh ra trẻ đã có thể nhìn những vật xung quanh ở cự ly gần.Lúc này, mẹ đã có thể luyện tập kích thích võng mạc cho bé. Ngồi đối diện với trẻ ở khoảng cách 30cm và nói chuyện, nhìn chăm chú vào đôi mắt trẻ. Nếu mắt trẻ nhìn lại mẹ chăm chú, mẹ đã thành công rồi. Cố gắng luyện tập nhiều lần cho trẻ trong ngày, mẹ nhé!
– Giai đoạn 2-3 tháng tuổi
Khi trẻ đã biết nhìn chăm chú vào một vật, mẹ có thể thay đổi vị trí của vật để bé nhìn theo. Di chuyển vật một cách từ từ, cho bé nhìn rồi lại di chuyển tiếp vì lúc này trẻ vẫn chưa nhìn theo được những chuyển động nhanh. Nếu trẻ đã nhìn tốt, mẹ có thể di chuyển nhanh hơn một chút, để vật xa hơn như vậy sẽ nâng cao được khả năng nhìn của trẻ.
– Giai đoạn 6-9 tháng tuổi
Nếu như 2 giai đoạn đầu chỉ giúp bé tăng khả năng nhìn thì lúc này là thời điểm để trẻ biết cách quay đầu nhìn về những hướng có đồ vật. Để một vật trước mắt trẻ sau đó di chuyển đến góc cuối tầm nhìn buộc trẻ phải quay đầu mới có thể nhìn thấy. Đưa đồ vật lên trên, xuống dưới, sang trái, qua phải, nghiêng lên trên và xuống dưới xoay quanh toàn bộ tầm nhìn. Cố gắng tập đi tập lại để trẻ hình thành khả năng nhìn tập trung và liên tục.
4/ Lợi ích song hành
Bí quyết dạy con kiểu Nhật sẽ giúp bạn thay bỉm cho bé dễ dàng hơn và biết nghe lời người lớn. Trẻ rất hiếu động, tay chân đạp không ngừng. Để giúp trẻ nằm yên mẹ có thể làm theo cách sau: Dùng tay giữ chân không cho trẻ cử động và nói “không được cử động con nhé”, “nằm im con ơi” đồng thời thay bỉm cho trẻ thật nhanh. Sau khi xong, mẹ nên khen ngợi để khuyến khích trẻ. Dùng những câu nói giống nhau khi bắt trẻ từ bỏ. Luyện tập lặp đi lặp lại đến khi trẻ lớn dần sẽ ứng dụng vào thực tế rất hiệu quả.
Khi trẻ được 6 tháng mẹ giúp bé bài tập co duỗi chân trong lúc thay bỉm. Khi chân co vào hay duỗi ra bạn phải đếm “1, 2” theo động tác của trẻ. Việc lặp đi lặp lại sẽ tạo được mối liên hệ giữa đếm và hành động, cứ như vậy trẻ sẽ biết cách học tập một cách tự giác.
                                                                                                       Nguồn: Marrybaby.vn

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Sai lầm bố mẹ cần biết để tránh khi dạy con tự lập

Làm thế nào để dạy con tự lập là câu chuyện khiến nhiều phụ huynh đau đầu nhất. Thực ra mấu chốt của vấn đề không phải trẻ không làm được mà là “trẻ không biết cách làm”. Vì thế, chính bố mẹ cần phải học cách dạy con tự lập.

Theo quan điểm giáo dục của phương pháp Montessori, cách cha mẹ dạy trẻ cũng như tạo ra môi trường thích hợp nhất để trẻ học hỏi sẽ quyết định đến việc trẻ có thể thực hiện một công việc nào đó một mình được hay không bởi vì mấu chốt của vấn đề không phải trẻ không làm được mà là “trẻ không biết cách làm”. Vì thế, để tránh những sai lầm khi dạy con tự lập, bố mẹ có thể tham khảo những lời khuyên về cách dạy trẻ tự lập theo phương pháp Montessori dưới đây:
1. Dù chưa nói sõi nhưng trẻ đã biết giằng lấy cái thìa đòi tự mình xúc, đòi tự đánh răng, tự đi giày… khi ấy việc cha mẹ cần làm là hãy “thu tay lại và dõi theo” hành động của trẻ như là sự tiếp nhận mong muốn của con. Hãy quan sát xem trẻ có thể làm được đến đâu, chỗ nào là khó đối với trẻ, chỗ nào trẻ vướng mắc không làm tiếp được để từ đó đưa ra những cách chỉ dẫn trẻ làm cho phù hợp.
2. Khi muốn dạy trẻ làm gì thì hãy chỉ chọn một việc để dạy thôi. Nếu dạy quá nhiều thứ một lúc thì bạn đừng ngạc nhiên là đã dạy rồi mà trẻ chẳng nhớ được gì.
3. Hành động cần được chia ra làm các bước rõ ràng, chỗ nào khó làm đi làm lại nhiều lần cho trẻ nhìn thấy và làm theo.
4. Cho trẻ nhìn theo và bắt chước hành động của mình: Hành động phải thật chậm rãi, có trình tự và trật tự làm sao để trẻ nhìn thấy rõ. Trẻ con không có tốc độ lí giải ngay như người lớn được nên cách dạy sẽ khác với người lớn. Vì trẻ con sẽ muốn lưu lại hình ảnh 24 hình/phút thay vì người lớn muốn lưu hình ảnh 24 hình/giây. Ví dụ như khi dạy trẻ gấp cái áo thì mẹ hãy làm thật chậm từ bước gấp hai tay, rồi đến thân áo, sau đó gấp đôi lại nhưng không cần mẹ phải thuyết minh từng bước cho trẻ nghe.
Sai lầm bố mẹ cần biết để tránh khi dạy con tự lập
Trẻ có thể học cách tự phục vụ bản thân từ khi còn rất nhỏ nếu được bố mẹ dạy chỉ dạy từ những bài học đơn giản nhất. (Ảnh: Hải An)
5. Nguyên tắc “Đừng nói mà hãy hành động”, tức là: Đừng thuyết minh hay giải thích gì khi làm cho trẻ nhìn.
6. Sau khi hành động xong hết rồi mới bắt đầu giải thích cho trẻ. Ví dụ như con nhớ không mẹ gấp áo bắt đầu từ gấp tay phải, tay trái, đến thân áo, rồi gấp đôi lại…
7. Tránh dùng từ hàm ý chê bai, gây sự tự ti cho trẻ kiểu như “đấy, đã hiểu chưa”, “mẹ dạy rồi mà vẫn không biết làm à”.
8. Đừng bao giờ tỏ ra sốt ruột vì trẻ thất bại nhiều lần thì mới thành công được, nhưng đó là sự thành công vô cùng giá trị đối với cuộc đời trẻ.
9. Đừng bao giờ vừa làm cho trẻ xem lại vừa nói đính chính kiểu lên giọng với trẻ khi đang dạy trẻ: “đây, làm như này này”, hay muốn nói cho con biết chỗ sai kiểu như “con đã thấy mình làm sai chưa, đúng không”, thì sẽ chỉ khiến trẻ tụt hứng mà không thêm làm tiếp nữa.
10. Cuối cùng là mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách và ý chí khác nhau, nên cha mẹ hãy quan sát con mình để tìm ra thời điểm phù hợp để bắt đầu dạy trẻ những thói quen tự lập. Nhanh chậm không quan trọng bằng việc trẻ thu được gì cho bản thân từ những việc làm ấy, và không bị làm cho mất hứng thú.
Bố mẹ không cần quá căng thẳng đặt mục tiêu rõ ràng rằng ở từng độ tuổi trẻ cần làm được cái gì, chỉ cần từ 0- 3 tuổi trẻ được nuôi dưỡng khả năng khẳng định bản thân, biết chăm sóc vệ sinh cá nhân, những điều cơ bản liên quan đến bản thân trong sinh hoạt hàng ngày là được.

Nguồn Maskonline.vn