Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

BÍ QUYẾT CỦA "NGƯỜI MẸ DO THÁI" NUÔI DẠY CON THÀNH THIÊN TÀI

(GDVN) - Với hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỉ lệ người đoạt giải Nobel toàn thế giới, Israel được cho là một dân tộc thông minh nhất thế giới. Một trong những “bí quyết” đó là cách nuôi dạy con thông minh ngay từ thuở nhỏ.

Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Israel, ngày 30/6 tại Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp nuôi dạy con của các bà mẹ Israel. Buổi Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh đang nuôi con nhỏ.

Xu hướng trẻ con được độc lập
Một trong những điều giúp trẻ em Israel có những suy nghĩ tự lập, thông minh là được hoàn toàn  tự do bộc lộ ý tưởng, quan điểm của mình trước bố mẹ, thậm chí những ý tưởng đó trái với những gì mà bố mẹ chúng mong muốn. Kinh nghiệm từ bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cho thấy, bản thân bà có 3 người con, với những phương pháp giáo dục khác nhau, 3 đứa lớn lên sẽ có những nhận thức cũng khác nhau.
Bà Meirav Eilon Shahar nhận định, bố mẹ nào cũng mong điều tốt đẹp đến với con cái, cũng muốn điều chỉnh, xây dựng một phương pháp giáo dục cho con tốt nhất trong một thế giới đầy biến động. Nhưng quá trình này cần điều chỉnh lâu dài.

Bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con với các bà mẹ trẻ tại Hà Nội. Ảnh Xuân Trung
Trong cuộc sống, nhiều lúc cha mẹ ép con phải thực hiện điều này, điều kia, nhưng ở Israel thì không có chuyện đó. Ngược lại, bà Meirav Eilon Shahar cho biết, ở đất nước bà, người ta tìm một cách khác để cho con có được những cách làm không giống với những điều mà cha mẹ mong muốn.
Ở đất nước với 3/4  là sa mạc, dân số chủ yếu là người Do Thái, trong các phương pháp nuôi dạy con không chỉ giờ mới có mà đã được ghi chép từ những năm 200-250 SCN trong sách Talmudh và Kinh Koran.
Bà Meirav Eilon Shahar cũng chia sẻ một điểm chung mà các cha  mẹ ở Việt Nam và Israel đều rơi vào, đó là trẻ con thường lấy cha mẹ, thầy cô là một hình mẫu, kể cả trong cách nói chuyện và hành động đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đây. Do đó, cha mẹ có sự ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Sự phát triển nhân cách đó đặt trong thời đại CNTT, khoa học phát triển thì tính cách của trẻ sẽ ngày càng phức tạp, thậm chí bố mẹ chúng đôi khi không theo kịp sự phát triển này. Đó là một xu hướng dẫn đến trẻ con được độc lập hơn.
“Tôi có ba đứa con, mỗi đứa có cách giáo dục bằng phương pháp khác nhau, do đó cách nhận thức của ba đứa cũng khác nhau. Điều đó cho thấy, dạy con không còn là một phương pháp áp đặt cho tất cả, các con cần được tôn trọng ở các ý tưởng, mặc dù ý tưởng đó khác với ý tưởng của bố mẹ, thậm chí các con có thể tranh luận với bố mẹ để tạo nên suy nghĩ sáng tạo, không còn là một khuôn mẫu nữa” bà Meirav Eilon Shahar nói về kinh nghiệm giáo dục con của mình.
Ở đất nước luôn coi trọng giá trị gia đình và những giá trị riêng của từng thành viên này, Israel được coi là nước có nền giáo dục tiên tiến. Bản thân bà Meirav Eilon Shahar là một nhà ngoại giao, công việc đi thường trú tại nhiều nước, với mỗi nước bà đều dạy cho con mình cách thích nghi với môi trường sống. Đặc biệt giáo dục cho con biết quan tâm lẫn nhau.
Điều đó chẳng khác nào đối xử với con của mình như một người lớn, tạo cho con có một trách nhiệm, từ đó có ý thức hơn. Nhưng “dù sao trẻ con vẫn là trẻ con nên phải được vui chơi, trách nhiệm quy định cũng chỉ ở mức độ nhất định. Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển thiên hướng và định hình hướng đi lâu dài cho trẻ” bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ.
Ngoài ra, một cách giáo dục nhằm tăng tính tư duy của con là khuyến khích con đặt câu hỏi, con hỏi càng nhiều càng tốt. Vì ngoài nghĩa vụ là quyền lợi được tôn trọng, quyền được thất bại thì còn có quyền có ý kiến riêng.
“Thất bại kể cả người lớn và trẻ em đều phải trải qua, trẻ con có thể được thất bại nhưng người lớn không được phán xét mà coi đó là cơ hội để học thành công”. 
Một số quan niệm nuôi dạy con “độc đáo” của người Do Thái
Ở Việt Nam phần lớn quan niệm thương con là phải chiều chuộng, con đòi gì được nấy, làm hết phần việc của con mà đáng ra con phải làm... Qua chia sẻ của bà Meirav Eilon Shahar thì ở đất nước Israel hoàn toàn ngược lại, họ đều có phương pháp giáo dục con để tạo sự độc lập trong cách sống. Ở Israel trẻ em 2 tuổi có thể làm được mọi việc sinh hoạt cá nhân, bố mẹ không phải lo.

Tự cho trẻ cách sống tự lập là một trong những phương pháp giáo dục trẻ tại Israel. Ảnh minh họa
Điều này cũng được thể hiện qua việc giới trẻ ở Israel khi đến 18 tuổi có bạn trai hay gái đều được ra ở riêng. Cứ hàng tuần, tới chiều thứ 6 phải trở về gia đình để ăn cơm, trước khi ăn cơm người bố thường đọc Kinh, trong nội dung đó nhắc lại cho người con phải biết ơn ông bà, bố mẹ đã sinh ra con. Nhờ có mẹ mới giữ được ngọn lửa cho gia đình. Điều này lặp đi lặp lại liên tục trong quãng đời của người con và giúp cho người con thêm gắn bó với gia đình hơn.
Bà Lại Thị Hải Lý, chuyên gia giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Israel chia sẻ những điều tai nghe, mắt thấy về cách nuôi dạy con của phụ nữ Israel rằng, người Israel yêu thương con phải lựa chọn hai tình yêu: Tình yêu dòng nước mát và tình yêu dòng máu đào.
Người Israel quan niệm, khát nước thì có thể uống và chỉ là nhất thời nhưng máu đào đổ vào có thể yêu con, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành bản lĩnh thực sự mạnh mẽ trong đường đời.
Người mẹ Do Thái nói rằng “phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm”, vì họ có ba điều mà người mẹ không nên làm với con. Thứ nhất là không thỏa mãn trước, không thỏa mãn tức thời yêu cầu của con, không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con.
Giải thích vì sao người phụ nữ Do Thái không thích phụ huynh 100 điểm, vì cho rằng cha mẹ “ăn giấu” 20% tình yêu con trở thành những người có lí chí, có khoa học, có nghệ thuật, như vậy phụ huynh mới tuyệt vời. Ở Israel có những trường quý  tộc nhưng lại đào tạo và rèn luyện cho học sinh biết được khó khăn, thử thách. Đó lí giải vì sao 20% “ăn giấu” của phụ huynh thường không được biết tới.
Và người Israel tự đưa ra công thức cho chỉ số vượt khó AQ của họ là: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công.
Bên cạnh đó, người dân Israel luôn có những suy nghĩ làm sao phát huy hết được tối đa năng lực của mỗi người. Mặc dù là nước có dân số ít nhưng Israel luôn là nước dẫn đầu thế giới về những người tài giỏi, ví như Albert Einstein, Karl Marx (nguồn gốc từ Israel),...
Những người Israel tin rằng, ở môi trường nào có điểm số tốt sẽ là trường học tốt, trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công.
Những bà mẹ Do Thái luôn nhớ một câu châm ngôn “Con Lừa thồ sách”, ý  muốn gửi một thông điệp tới các con rằng: “Nếu chỉ đọc sách mà không ứng dụng nó trong cuộc sống thì cũng chỉ là trí tuệ chết mà thôi”.
Để kết thúc cho bài viết này, xin được trích dẫn một câu nói nổi tiếng của người Israel rằng: “Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (Một đứa con khiến cả gia đình phải lo đó là bố  mẹ, ông bà, điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con)”.

 Nguồn: Giáo dục Việt Nam

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

TẠI SAO PHẢI DẠY CON TỪ THỦA LÊN BA?

Ba năm đầu tiên là giai đoạn định hình tất cả loại tính cách: yêu thương, giận hờn, ganh ghét… vì thế cha mẹ cần dạy cho con những giá trị đạo đức, lối sống, cách cư xử với người xung quanh ngay từ đó.
Theo thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, quá trình định hình nhân cách của một đứa trẻ luôn luôn đi theo giai đoạn 3 năm. Tuy nhiên, thông thường mọi người hay chú ý đến các mốc 6 năm, 12 năm, 18 năm… mà quên đi giai đoạn 3 năm đầu đời, giai đoạn nền tảng để hình thành nhân cách.
Cũng như khi nhìn một tòa nhà, người ta thường quan tâm đến kiến trúc tổng thể, phòng ốc, thiết kế nội thất, ít khi nào nhìn vào nền móng bên dưới. Cũng thế, 3 năm đầu đời là nền móng mà không ai nhìn thấy, tuy nhiên nó cũng giống như móng của một ngôi nhà có vững thì công trình ấy mới bền chắc với thời gian.
Thông thường trong 3 năm đầu đời của trẻ, cha mẹ thường để ý nhiều đến những chuyển biến về mặt thể chất cho con, dành cho bé nguồn dinh dưỡng tốt nhất, sự chăm sóc tối ưu. Song theo thạc sĩ Đình Dũng, điều quan trọng nhất mà nhiều phụ huynh lại quên đó chính là việc xây dựng nhân cách cho con, dạy cho con những giá trị đạo đức, lối sống, cách cư xử với những người xung quanh.
Phụ huynh hãy xây dựng cho con sự tự tin bằng việc dẫn bé theo mỗi khi đi ra ngoài để bé được tiếp xúc với người lạ, môi trường lạ, âm thanh lạ. Ảnh: Thụy Ân.
Thế giới hữu hình và thế giới vô hình
Thế giới hữu hình là những gì hiển hiện, có thể nhìn thấy, chạm đến, những điều có thể cân đong đo đếm được. Trong 3 năm đầu đời của trẻ, nhiều bậc cha mẹ thường dành quá nhiều ưu tư và lo lắng về thế giới hữu hình của con mà quên đi điều cần lưu ý nhất, đó là thế giới vô hình, là tính cách, nhân cách của bé, là tinh thần, tâm hồn, thái độ, nội tâm…
Trong một buổi trò về kỹ năng làm cha mẹ, khi được hỏi “Các bạn muốn con mình sau này sẽ trở nên như thế nào?”, hầu hết ông bố, bà mẹ trẻ đều nghĩ ngay đến những điều hữu hình "Tôi muốn con mình thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, doanh nhân"… Tất cả đều đúng, đều tốt đẹp, nhưng không hoàn toàn đúng với thời gian.
"Có bao giờ chúng ta nghĩ giống như nhà văn Sơn Nam: 'Tôi muốn con mình trở thành người tử tế, con mình lớn lên trở thành một người chính trực, trung thực, cho bản thân con, cho gia đình nhỏ, không gian nhỏ của con và cho xã hội'?. Quan trọng hơn cả là nền móng, giá trị gia đình, là niềm tin, nghị lực, nội lực bên trong mỗi con người. Nó giúp chúng ta đứng vững, không khom lưng, không khuỵu gối, đó mới chính xác là điều chúng ta nên dạy cho con mình", thạc sĩ Đinh Dũng gợi mở.
Trẻ lên ba, cả nhà tập nói
Khi trẻ đang tập nói và khi bé nói sai, ông Dũng khuyên, phụ huynh cần phải sửa ngay lập tức từng chữ một. Nếu không sửa kịp thời, ngay lập tức bé đã tiếp nhận vốn từ sai. Và khi người lớn cho bé vốn từ sai thì mai này lớn lên khả năng bé nói ngọng rất cao. Nghiên cứu khoa học cho thấy, em bé nào nói sai chữ, sai âm thì khi lớn lên khả năng thẩm âm giảm đến 50%, khi trẻ học nhạc hay ngoại ngữ sẽ bị thua thiệt hơn nhiều so với những em bé được bố mẹ sửa cho ngay khi còn nhỏ.
Làm thế nào để “dạy con từ thuở lên ba”?
Theo thạc sĩ Đinh Dũng, bất kỳ bố mẹ nào cũng yêu con, và nên thể hiện tình cảm với con mình. "Hãy yêu thương con theo cách mà chúng ta muốn được yêu thương. Không phải ai cũng biết cách bày tỏ tình cảm với con, nhưng hãy bắt đầu bằng hai cách vuốt ve và nói chuyện với bé".
Người mẹ có thể học hỏi từ bài học nuôi con theo phương pháp kangaroo, ôm con vào lòng, vuốt ve làn da bé, nắm tay bé, xoa lưng bé, xoa đầu, mân mê từng lọn tóc của bé… Qua đó trẻ sẽ cảm nhận được tình thương, cảm nhận được làn da của người thân thông qua xúc giác, hơi ấm tỏa ra từ thân nhiệt của cha mẹ, mùi hương cơ thể của mẹ, có khi bé sẽ ghi nhớ đến suốt đời. Nghiên cứu khoa học cho thấy trong 3 năm đầu tiên, việc va chạm thân thể và nói chuyện với con quan trọng gấp nhiều lần so với dinh dưỡng.
3 năm đầu tiên là giai đoạn định hình tất cả tính cách: yêu thương, giận hờn, ganh ghét, đặc biệt đây cũng chính là giai đoạn hình thành nên nhân cách của một con người.
Điều tiên quyết trong việc định hình và hoàn thiện nhân cách chính là thông qua sự tự tin. Do đó khi ở nhà, cha mẹ hãy chăm sóc con thông qua những cử chỉ vuốt ve, va chạm, nói chuyện với bé. Khi ra ngoài xã hội, hãy xây dựng cho trẻ sự tự tin bằng việc dẫn bé theo mỗi khi đi ra ngoài để bé được tiếp xúc với người lạ, môi trường lạ, âm thanh lạ. Từ đó bé sẽ có thêm thông tin, hình ảnh, hình khối, màu sắc, âm thanh, tự nhiên bên trong sẽ xuất hiện sự tự tin. Chắc chắn khi ấy trẻ sẽ có thêm những trải nghiệm cuộc sống rất thú vị.
Trong 3 năm đầu đời, trẻ học qua thông tin rất ít, chủ yếu qua hình ảnh và phản ánh chính xác những điều người lớn dạy cho mình. Khi nhìn thấy mọi người lễ phép với ông bà nội ngoại, bé nhìn thấy sẽ tự động lễ phép với ông bà, bố mẹ. Vì vậy muốn dạy con biết lễ phép, bố mẹ cần thay đổi cách hành xử của mình cho phù hợp để làm gương.
Tự tin là giá trị của chính bản thân bé, còn lễ phép là giá trị của cộng đồng, kính trên nhường dưới. Để dạy cho bé tính lễ phép, chỉ cần cho bé nhớ 4 chữ: Cảm ơn – Xin lỗi – Đi thưa – Về chào. Khi con cư xử trong môi trường gia đình, môi trường xung quanh, hàng xóm, bạn bè của bố mẹ mà trẻ thực hành một cách nhẹ nhàng, duyên dáng, thật lòng, thì hãy yên tâm rằng khi bé bước ra ngoài cuộc sống sẽ không quá tự cao, cũng không quá rụt rè nhút nhát.
Sự trung thực là điều cuối cùng phụ huynh cần dạy cho bé trong giai đoạn 3 năm đầu đời. Tuy nhiên, hầu hết bậc cha mẹ trẻ hay quên điều này.  Khi dạy trẻ, hãy tâm niệm rằng: “Nếu con giỏi sẽ có người giỏi hơn con, nếu con giàu sẽ có người giàu hơn con, nhưng nếu con trung thực thì sẽ không có ai trung thực hơn con, vì bản chất của sự trung thực là trung thực”.
Để dạy cho trẻ trung thực, bước đầu tiên, đơn giản nhất, chỉ cần dạy cho bé gọi tên đúng sự việc. Trung thực là câu chuyện cha mẹ có thể đúc kết từ cuộc sống, từ cách cư xử hàng ngày để nói chuyện với con và dạy cho con.
Khi trẻ đã có sự tự tin, lễ phép và sự trung thực, sau này trưởng thành bé sẽ biết không gây tổn hại cho bản thân, không gây tổn hại cho người khác. "Đừng để ý quá nhiều về thế giới hữu hình. Hãy chú trọng nhiều đến thế giới vô hình, bao gồm ý thức, nhân cách, quá trình định hình nhân cách quan trọng nhất là tự tin, lễ phép, trung thực. Từ đó trẻ có một năng lực để chơi, đón nhận thông tin mới, khoảng không gian càng lớn. Với ba giá trị này thì bé sẽ đứng vững khi bước ra thế giới bên ngoài", ông Dũng khuyên.
Bên cạnh đó, phụ huynh đừng quên dạy cho con nói điều mình làm và làm điều mình nói. "Trong quá trình trưởng thành, cha mẹ cần dạy cho con cách đón nhận những quan điểm trái chiều, xây dựng nhân cách cho con. Nuôi con là việc không hề đơn giản, dạy con là một hành trình gian truân đến suốt đời", theo thạc sĩ Đinh Dũng…

(Nguồn Vnexpress)
 

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

TUYỂN GIÁO VIÊN DẠY MÚA, VÕ, VẼ KHU VỰC CẦU GIẤY, TÂY HỒ

Công Ty TNHH BPH Việt Nam là công ty uy tín hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho các trường mầm non và phổ thông trung học trong TP Hà Nội. Với sứ mệnh kết hợp các phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới cùng với nhà trường và gia đình để góp phần đào tạo nên thế hệ trẻ tài năng tương lai của Việt Nam, vừa có đức - vừa có tài.

Trung tâm năng khiếu Viettalentkids - Công Ty TNHH BPH Việt Nam chuyên liên kết với các trường Mầm non Công lập và Tư thục trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để trực tiếp giảng dạy và đào tạo các môn năng khiếu như: Tiếng Anh, Múa, Võ, Vẽ, Bàn tính thông minh và Kỹ năng sống. 
Hiện tại Trung tâm đang cần tuyển giáo viên dạy Múa, Võ, Vẽ  khu vực Cầu Giấy, Tây Hồ.
Mô tả công việc: Theo sự phân công của công ty, giáo viên đến các trường mầm non để dạy năng khiếu cho các bé độ tuổi từ 4-5 tuổi, buổi chiều các ngày từ thứ 2- 6 trong tuần.
Yêu cầu: Yêu thích giảng dạy, yêu trẻ, có trách nhiệm với công việc. Ưu tiên các bạn có chứng chỉ sư phạm hoặc tốt nghiệp đúng chuyên ngành mình giảng dạy.
Hồ sơ: Gửi trước CV qua email, ghi rõ thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc (nếu có). Liên hệ:
0963 545 676 (Ms Chiều)
Email: viettalentkids@gmail.com

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

TÀI NĂNG CỦA TRẺ PHÁT TRIỂN TỐT NHẤT TRƯỚC 6 TUỔI

Theo các nhà nghiên cứu, tuổi vàng phát triển của trẻ là từ 0 đến 6 tuổi nên cần thực hiện những kích thích nhằm giúp bé bộc lộ tài năng sớm. Giáo dục mầm non vì thế phải chú trọng phát triển trí thông minh cho trẻ.
Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tư ban hành quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có những tiêu chí như: 100% trẻ phải được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần; không xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm; được khám sức khoẻ định kỳ; có ít nhất 85% trẻ phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao theo tuổi....
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong số điều kiện công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn thiếu tiêu chí về kết quả đào tạo trẻ dưới 5 tuổi. Theo những kết quả đã được công bố của Viện nghiên cứu phát triển trẻ thông minh sớm thì tiềm năng của một đứa trẻ được xác định trong những năm đầu, từ giây phút đầu tiên của cuộc sống đến những năm tháng chăm sóc ở gia đình và cơ sở nuôi dạy trẻ.
Giai đoạn mẫu giáo rất quan trọng trong việc phát triển tiềm năng của trẻ. Ảnh: Thi Trân.
Trong một hội thảo về trẻ thông minh sớm, tiến sĩ Phạm Mai Chi cho biết, các nghiên cứu và tìm hiểu về não bộ trẻ cho kết quả: một nửa sự phát triển quan trọng của não bộ ở đứa trẻ được hoàn thành vào thời điểm nó bắt đầu học mẫu giáo. Đặc biệt, trẻ em có các mạch thần kinh nếu không được kích thích trước khi học mẫu giáo thì sẽ không bao giờ có được sự thông minh đáng có. Bà cho rằng, 0-6 tuổi là thời kỳ vàng, cửa sổ của các cơ hội giáo dục khai mở tiềm năng cho trẻ.
Thời kỳ tốt nhất để phát triển sự gắn bó về mặt xã hội và tiếng nói của trẻ là trước 2 tuổi, nhận biết chữ là trước 3 tuổi và học đếm là trước 4 tuổi. Tiến sĩ Mai Chi cho hay bộ não trẻ ngay từ sơ sinh đã có những tiềm năng đáng kinh ngạc: lúc mới sinh trọng lượng não bằng 25% não người trưởng thành, 9 tháng tuổi gấp đôi so với não sơ sinh, 3 tuổi gấp 4 lần lúc mới sinh và 6 tuổi hầu như hoàn thiện về cấu trúc.
Bà dẫn lời A.Makarenko từng dự đoán nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 5 tuổi, nó chiếm 90% cả quá trình giáo dục. Thực chất, đó là giáo dục khai phá và phát triển tiềm năng của con người. 
Quy luật “tài năng thuyên giảm” tồn tại trong quá trình phát triển tài năng và tố chất của trẻ em.
Giáo sư Shichida (Nhật Bản) từ những năm 1950 đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về phương pháp giáo dục mầm non. Những phát hiện và kết luận của ông đã làm xôn xao dư luận với phương pháp giáo dục sớm cho trẻ được nhiều trường mầm non áp dụng. Theo đó, khoa học đã chứng minh rằng, não người phát triển với tốc độ cao nhất là trong giai đoạn sơ sinh, và quá trình phát triển gần như được hoàn thành khi ta 12 tuổi. Chính vì vậy, thực hiện những kích thích nhằm giúp bé có thể bộc lộ tài năng nên bắt đầu càng sớm thì hiệu quả càng cao. 
Mặt khác, ở não phải có một đường dẫn (vừa là đường đi của năng lượng cơ thể, vừa là nơi xử lý thông tin), khi bé được 6 tuổi thì đường dẫn này sẽ được hình thành một cách toàn vẹn. Chính vì thế mà khả năng để phát triển những tài năng của trẻ sẽ giảm đi một cách nhanh chóng cùng với độ tuổi của bé.
Giáo sư Shichida cũng đã công bố nghiên cứu về sự quan trọng của “Chế độ dinh dưỡng” từ năm 1980. Với kinh nghiệm của bản thân, ông khẳng định thực phẩm dinh dưỡng và sự phát triển của não bộ là những thứ không thể tách rời. Khái niệm “Chế độ dinh dưỡng” đã được áp dụng vào lĩnh vực giáo dục. Ông cũng cân nhắc những tác động, kích thích tích cực để giúp não bộ phát triển một cách toàn diện mà không tạo ra sự chênh lệch giữa não trái và não phải.
"Các bài tập thể dục và chế độ dinh dưỡng thích hợp cần được quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Bên cạnh đó, giáo dục mầm non, mẫu giáo cần đặt mục tiêu quan trọng là giáo dục toàn bộ nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, dạy bé những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, các quy tắc xã hội, cũng như việc phát triển những cảm xúc và tinh thần cộng đồng", một chuyên gia nghiên cứu về phát triển thông minh sớm cho trẻ nói.

Nguồn VnExpress