Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

5 MẸO XỬ LÝ CƠN NÓNG GIẬN CỦA TRẺ BỐ MẸ NÊN BIẾT

Các chuyên gia cho rằng, mỗi cơn nóng giận của trẻ như la khóc, mè nheo, ăn vạ... đều là hậu quả của những nhu cầu không được đáp ứng, hoặc là cách biểu lộ trẻ đang thiếu thoải mái. Do đó, thay vì cho trẻ "ăn đòn" ngay lập tức hay phạt trẻ, tốt nhất cha mẹ nên ngăn chặn tâm lý tiêu cực đang leo thang ở con - đơn giản là hãy giúp con bình tĩnh trước. Các biện pháp dưới đây có thể hữu ích cho bạn:

Đừng la hét với bé 


Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi thường rất dễ bị kích động. Đừng để mình bị cuốn theo cơn giận dữ của bé dù bé ngang bướng không chịu nghe bất cứ điều gì bạn nói. Những lúc bé đang bù lu bù loa cách tốt nhất là ngồi bên cạnh vỗ về bé để bé bình tĩnh lại. Đừng lẳng lặng bỏ ra khỏi phòng, điều đó chỉ khiến bé thấy mình bị bỏ rơi và càng dễ bị thất vọng. Mọi cơn nóng giận đều chỉ đến trong khoảng thời gian rất ngắn, sau đó bé sẽ cảm thấy an tâm và bạn cũng sẽ thấy bé nghe lời bạn hơn nếu bạn cùng con vượt qua khoảng thời gian tồi tệ ấy. 

Đừng quên rằng bạn là người lớn 

Đừng đặt ra điều kiện để đổi lại việc bé dừng giận dỗi, viêc đó sẽ nuôi dưỡng những thói quen xấu của con bạn. Việc cơn giận dữ của bé kéo dài bao lâu không quan trọng, quan trọng nhất là cách bạn dạy cho trẻ kiểm soát chúng. Đừng để việc người ngoài nghĩ gì ảnh hưởng đến việc bạn dạy con.

Những lúc bé giận dữ đến mất kiểm soát là thực sự bé đang thực sự sợ hãi. Điều bạn nên làm là đứng đó để giúp con bộc lộ sự khó chịu này trong một giới hạn nhất định. Nếu cơn giận dữ của bé bùng phát thành những hành động quá khích như đập phá đồ đạc hay xé đồ chơi, bạn nên đưa con tới một nơi an toàn và chỉ có mình bé với bạn (ví dụ phòng ngủ của bạn). Hãy ở bên cạnh bé cho tới khi bé không còn nổi điên lên nữa. Việc để bé thể hiện hành vi không tốt này nơi có nhiều người khiến bé khó sửa chữa khuyết điểm của mình.


Cơn nóng giận của trẻ thường xảy ra khi nhu cầu không được đáp ứng (Ảnh minh họa)

Nói chuyện với con khi cơn giận dữ trôi qua 

Sau khi bé đã bình tĩnh trở lại bạn nên nói chuyện với con về những gì đã xảy ra để gần gũi và hiểu con hơn. Bạn nên nói cho bé biết bạn đã buồn và thất vọng thế nào khi bé nổi khùng lên như thế và giúp bé bày tỏ sự không hài lòng của mình thay vì la hét. Nếu có thể bạn hãy cười với con và nói rằng “Bố/mẹ xin lỗi vì đã không hiểu con”. Mọi lời xin lỗi chân thành đều đem lại sự đồng cảm. 

Cố gắng ngăn chặn những cơn giận dữ - dự đoán tình huống 

Nếu đã có những lần bé giận dữ vì một lí do nào đó mà bạn chưa thể xử lý được, bạn nên tránh để bé gặp lại tình huống đó lần nữa. Nếu quan sát thấy bất cứ biểu hiện nào của những cơn giận dỗi sắp sửa tới, bạn nên cảnh báo nhẹ nhàng trước điều đó cho bé. Hãy di chuyển khỏi vị trí đang ngồi (từ sân chơi vào nhà hay từ phòng khách ra bàn ăn) để bé có thời gian để điều chỉnh lại cảm xúc. Trẻ con cũng rất thích được tôn trọng và muốn thấy mình độc lập. 

Quan sát những dấu hiệu của sự căng thẳng 

Giận dữ là điều bình thường đối với trẻ con đặc biệt là ở những bé mới biết đi nhưng bạn cũng nên để mắt tới những dấu hiệu đó ở con bạn. Gia đình bạn đang có trục trặc? Mấy đứa lớn bắt nạt em hay hai vợ chồng bạn đã quá bận rộn để thường xuyên quan tâm tới con? Mọi thứ đều có thể gây ra những kích động tới thần kinh của bé và gây ra những cơn giận dữ vô cớ. Nếu bé thường xuyên có những màn ăn vạ kinh khủng, la hét tùm lum khi chọn quần áo mặc hay đồ chơi bạn nên đưa con tới các bác sĩ để biết rõ nguyên nhân của những trận bùng phát và thể trạng thể chất, tâm lý của bé. 

(Nguồn: Babycentre)

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

GIÚP TRẺ TỰ TIN TRONG GIAO TIẾP

Mọi người khi sinh ra đều giống như một tờ giấy trắng, không thể phân biệt được điều gì là tốt, điều gì là xấu. Trang giấy trắng ấy được vẽ lên bức tranh đẹp hay xấu đều là do người cầm bút. Đứa trẻ cũng vậy trở lên tốt hay xấu,tự tin hay nhút nhát đều do cách giáo dục của các bậc làm cha làm mẹ. Những thói quen, lối sống hằng ngày sẽ tạo nên tính cách, bản chất của một đứa trẻ.

Rất nhiều cha mẹ than phiền rằng: “Con tôi ở nhà nói rất nhiều, nghịch như quỷ nhưng khi ra khỏi nhà nhất là tới chỗ lạ thì lại im ắng, khép nép, nếu ai hỏi gì thì cúi mặt im lặng, hoặc trả lời lí nhí”. Những biểu hiện nhút nhát và thiếu tự tin của trẻ như vậy đôi khi làm các bậc cha mẹ cảm thấy bực mình và khó chịu quay sang trách bé. Làm như thế có giúp các bé tự tin và trả lời thoải mái hơn không? Vậy làm sao để trẻ tự tin hơn trong giao tiếp ngay cả khi đó là một môi trường hoàn toàn xa lạ?

Việc đầu tiên cha mẹ cần làm đó là chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đưa bé đến môi trường mới. Hãy nói chuyện với bé kể cho bé về nơi bé sắp tới, ở đó như thế nào? Quang cảnh ra làm sao? Ở đó bé sẽ được gặp ai và để làm gì? Điều ấy sẽ giúp bé hình dung được phần nào nơi bé sẽ tới để bé không cảm thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ hay sợ sệt khi tiếp xúc thực tế. Với những đứa trẻ nhút nhát thiếu tự tin thì cha mẹ nên chú tâm tới những chuyển biến cảm xúc của bé. Luôn hỏi bé xem bé cảm thấy như thế nào? Có thích nơi này không? Con muốn làm gì trong lúc này? Khi được hỏi bé sẽ dễ dàng chia sẻ để cha mẹ hiểu và tạo điều kiện để bé thể hiện và cảm thấy thoải mái nhất tại môi trường mới.


Vào những ngày cuối tuần cha mẹ nên dành thời gian rảnh để đưa con tới những khu vui chơi giải trí, các sân chơi dành riêng cho trẻ em để trẻ làm quen hòa đồng, hòa nhịp vào các bạn vì trẻ con cùng tuổi rất dễ chơi và kết thân với nhau. Và cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ, giao lưu kết bạn với các bạn hàng xóm như thế trẻ sẽ có cảm giác được chia sẻ, được vui với những trò chơi của bạn bè cùng trang lứa. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn, không còn cảm giác đơn độc và không cảm thấy sợ sệt, nhút nhát nữa. Cha mẹ cũng nên tổ chức các chuyến đi du lịch vào các dịp hè để trẻ được đi chơi thoải mái. Bên cạnh đó giúp trẻ quan sát được nhiều hơn thế giới bên ngoài, tiếp xúc được nhiều người hơn sẽ giúp trẻ tự tin lên rất nhiều không còn e ngại trong giao tiếp nữa.

Cha mẹ hãy để cho bé tự do phát triển một cách thoải mái nhất. Bé thích làm gì, chơi gì, nói gì hãy cứ để bé làm đừng ngăn cản bé. Nhiều lúc bé rất muốn nói, muốn thể hiện điều gì đó nhưng sợ bị sai, bị ba mẹ mắng nên bé chọn cách an toàn là im lặng. Và chính điều ấy đã khiến bé không dám thể hiện mình trở nên rụt rè, nhút nhát. Vì thế hãy để bé làm theo ý của mình nếu bé sai hãy giải thích nhẹ nhàng cho bé hiểu và dạy bé sửa lại, nếu đúng sẽ cổ vũ động viên bé cho bé thêm động lực cố gắng ở những lần tiếp theo.

Cha mẹ nên nói cho mọi người xung quanh, những người sẽ tiếp xúc với bé biết về tính nhút nhát, không tự tin của bé để mọi người hiểu và trong lúc giao tiếp tránh những lời nói nặng, cử chỉ hành động làm bé sợ hãi.

Nguồn: wedowegood-school.edu.vn

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

DẠY CON PHÁT TRIỂN TƯ DUY SÁNG TẠO BẰNG CÁCH KHÔNG ÁP ĐẶT

Hầu hết các bậc làm cha mẹ đều nghĩ tới những cách này nhưng hiếm ai thực hiện được vì quá nôn nóng. Các mẹ đọc rồi từng bước áp dụng nhé. Con mình là một cá nhân riêng biệt, cần phải được hiểu để "đào tạo" cho đúng cách.
Phụ huynh có thể tham khảo một số lời khuyên sau:
Để trẻ tự quyết định

Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào hỏi, phải đánh răng…Rồi đưa ra các phán xét: “ngoan” nếu trẻ làm theo và “hư” khi trẻ làm những việc cha mẹ cấm.

Để con nghe và tự giác làm mọi việc thì trước hết cha mẹ phải chỉ ra cho chúng biết lý do tại sao phải làm thế. Tại sao phải đi vệ sinh, tại sao phải rửa tay, tại sao phải đánh răng,…Cha mẹ có thể đặt ra các tình huống cùng bàn luận với trẻ, để chúng tự nói lên, tự viết ra những lý do vì sao phải làm thế.

Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát. Trẻ làm không phải vì sợ, vì bị ép buộc mà vì đó là điều đúng, cần thiết.

Chọn việc dễ làm trước

Thành công sẽ giúp con tự tin và phấn khởi để tiếp tục thực hiện các yêu cầu tiếp theo. Vì vậy để con thành công bố mẹ hãy bắt đầu từ những yêu cầu phù hợp, yêu cầu dễ thực hiện, dễ kiểm soát ví dụ như: ăn xong cất bát. Việc này có thể rất lâu mới đi vào quy củ nhưng khi con đã thực hiện được thì những việc sau sẽ dễ dàng hơn. Không nên tham lam bắt ép ngay từ đầu, giao cho con yêu cầu khó thực hiện hoặc nhiều yêu cầu một lúc. Yêu cầu khó và nhiều khiến con không thực hiện được, dễ bỏ cuộc và dễ thất bại, không tự tin.

Động viên khích lệ khi làm tốt

Dù chỉ thành công một việc nhỏ nhưng được cha mẹ động viên, trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ luôn yên thương và quan tâm đến mình, chúng sẽ tự tin vào bản thân có thể làm tốt được tất cả mọi việc. Động viên, khích lệ sẽ làm con thích thú, có động lực và nhớ để thực hiện.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, động viên khích lệ chứ không phải so sánh với ai khác. Cha mẹ có thể nói với con bằng những câu khích lệ như “Mẹ tin con có thể làm được”, “Mẹ tự hào về con”, “Mẹ nghĩ bố sẽ thích điều này”, “Việc này có vẻ đúng với khả năng của con”, “Chỉ cần cố gắng một chút là con đã làm được”…

Không trách cứ khi mắc lỗi

Để tập một thói quen tốt cho con cần có kế hoạch, từ từ, chậm chạp, không được nóng vội. Khi trẻ mắc lỗi thì nên giúp con tìm ra giải pháp khắc phục chứ không nên mắng mỏ, chê trách.

Sẽ không mấy hiệu quả khi cha mẹ vội khuyên bảo, trách mắng đúng lúc trẻ mắc lỗi. Lúc này con sẽ tìm ngay lý do “bào chữa” cho mình và đôi khi sẽ phản ứng tiêu cực như cãi lại, chối tội. Ngay cả khi biết mình sai con cũng không muốn thừa nhận.



Hãy bình tĩnh để cho con cảm thấy cha mẹ đang là “đồng minh” của con. Hãy cố gắng tìm ra cái lý của con, tỏ ra đồng lòng, đứng về phía con để con có thể bình tâm lại. Một lát sau hoặc chờ khi thích hợp, cha mẹ thảo luận cùng con về việc đã xảy ra, cùng con phân tích để con tìm ra giải pháp. Bỏ qua lỗi lầm tạm thời chứ không có nghĩa là bỏ qua luôn.

Những lỗi mà con vi phạm lần đầu với những lỗi mà con đã lặp lại nhiều lần sẽ cần có cách giải quyết khác nhau:

Khi con gặp lỗi lần đầu, cha mẹ giúp con tự nhận ra lỗi, nói ra được tên của lỗi đó và cam kết không lặp lại.

Khi con lặp lại lỗi cũ nhiều lần, cha mẹ cần tỏ thái độ không hài lòng và yêu cầu nghiêm túc thực hiện cam kết. Lúc này có thể không cần phân tích khuyên bảo nữa.

Không so sánh

Cha mẹ thường hay có thói quen nói ra những câu so sánh bởi vì trước đây chính cha mẹ cũng thường “được” người lớn mang ra để so sánh và cha mẹ cũng luôn có tâm lý mong con tốt hơn hoặc tốt bằng một bạn nào đó.

So sánh sẽ làm trẻ lầm tưởng là “mình chỉ giỏi khi mình hơn người khác”. So sánh hơn người khác - con sẽ tự kiêu, sẽ ích kỷ và sự tự tin có được chỉ là quả bóng ảo tưởng, không phải sự tự tin thật. So sánh kém người khác – con sẽ tự ti, mất đi sự tự tin (nghĩ là mình là người kém cỏi, không làm được), sẽ phiền muộn và lo âu.

Kiên trì với con

Để tập cho trẻ một thói quen nào đó không thể một sớm một chiều mà cần sự kiên trì của cha mẹ. Duy trì củng cố thì tự nhiên những yêu cầu sẽ trở thành “luật”, thành “nguyên tắc” mà cha mẹ mong đợi. Thái độ nhất quán của cha mẹ (kiểm soát những yêu cầu đã đề ra, lặp đi lặp lại nhiều lần, trong một thời gian dài) sẽ khiến con (không bằng lời) hiểu mình cần phải làm gì. Đừng vội vàng, đừng sốt ruột muốn mọi thứ phải tốt ngay, cha mẹ cần kiên trì củng cố cho con.


Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/230...ng-ap-dat.html

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

DẠY CON KỸ NĂNG ỨNG PHÓ VỚI NGUY HIỂM KHI ĐI DÃ NGOẠI

Hiện nay, trẻ từ lứa tuổi mẫu giáo đã thường xuyên được đi dã ngoại cùng các bạn. Vì thế, càng sớm càng tốt, bố mẹ cần dạy con các kĩ năng ứng phó với nguy hiểm khi đi dã ngoại.


Việc đầu tiên, trẻ cần được phụ huynh/ trưởng đoàn trang bị một ba lô cá nhân có chứa các vật dụng y tế cơ bản dành cho việc sơ cấp cứu: thuốc chống ngứa, thuốc sát trùng, bông gòn, băng keo, nước muối đậm đặc... và phải được hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, không chỉ cho bản thân mà còn giúp bạn đồng hành trong trường hợp có sự cố.

Côn trùng: Muỗi, rắn, vắt, ong, sâu... là một số loại côn trùng nguy hiểm thường gặp. Trước tiên, trẻ cần quan sát cẩn thận nơi mình dừng chân. Nếu có bụi rậm, dùng cành cây dài khua vào bụi trước khi muốn ngồi gần hoặc thò tay hái trái/ lấy vật lỡ rơi vào bụi rậm. Khi thấy côn trùng, trẻ phải tránh xa. Trường hợp bị cắn, cần rời ngay vị trí có côn trùng; sau đó dùng nước miếng sát trùng nếu quên mang theo thuốc, không gãi vết cắn và lập tức báo cáo ngay cho trưởng đoàn.

Đi lạc: Khi nhận ra mình đi lạc, trẻ cần đứng yên ngay vị trí bị lạc; không khóc và phải tự trấn an mình (trí tưởng tượng thường khiến trẻ sợ hãi sẽ có... “ông kẹ” hay "con gì đó" bắt đi). Nếu hai, ba em tự ý tách nhóm và cùng bị lạc thì phải động viên nhau đứng yên, sẽ có người đến cứu; tránh gây gổ, cãi cọ dẫn đến tách nhóm. Xem xung quanh có lán trại nào không để đến gần nhờ giúp đỡ. Nên chủ động mang theo còi/ kèn trong mỗi chuyến dã ngoại để nếu bị lạc, dùng còi/ kèn thổi báo hiệu.

Người lạ: Linh cảm có người lạ theo dõi, trẻ cần chạy ngay đến đám đông, báo cáo với trưởng đoàn; không nên nhận quà, tiếp xúc, trò chuyện với người lạ. Trường hợp bị bắt, trẻ cần bình tĩnh và tìm cách vùng chạy.

Vật nguy hiểm: Hầu hết phụ huynh thường cấm con em sử dụng những vật dụng có tính sát thương cao như dao, kéo, búa... Tuy nhiên, khi đi dã ngoại, đó lại là những vật dụng không thể thiếu. Do đó, trẻ cần được hướng dẫn và chỉ bảo mức độ nguy hiểm nếu dùng vật dụng đùa giỡn hay sử dụng sai cách.



Ngộ độc thức ăn: Nếu mệt (đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu hoặc nôn ói do ăn phải thức ăn không hợp...), trẻ không nên gắng sức tham gia “cuộc vui” mà cần phải nghỉ ngơi. Trẻ nên báo cáo trưởng đoàn, bạn bè về tình trạng sức khỏe.

Tập thói quen chú ý, quan sát xung quanh: Trước khi nghỉ chân, trẻ nên quan sát chung quanh nơi mình định dừng lại để tránh những nguy hiểm “trời ơi” như cành cây khô trên cao (có thể rơi trúng đầu); cung đường trơn, dốc, nhiều đá sỏi (gây té ngã)...

Tự sơ cứu: Khi chảy máu, trẻ cần rửa sạch vết thương; dùng bông lau nhẹ rồi băng bó lại bằng băng keo cá nhân (nếu vết thương nhỏ) hoặc bông băng y tế (nếu vết thương lớn); không nên quấn băng keo quá chặt. Trường hợp bị bỏng, trẻ cần nhanh chóng xối nước mát lên vết bỏng, giữ nguyên quần áo nơi bị bỏng nếu vết bỏng sâu. Sau đó, dùng bông gạc băng bó lại và lập tức báo cáo trưởng đoàn.

Dựng lều trại: Chọn vùng đất khô, thoáng, bằng phẳng nhất; không dựng lều gần cây cao, to, đề phòng cành khô rơi hay mưa lớn trút nước/sấm sét; tránh vùng cỏ rậm vì nơi đó thường có nhiều côn trùng. Không ăn uống trong lều vì mùi vị/ thức ăn vụn lôi kéo côn trùng “viếng thăm”. Không đốt lửa trong lều hay gần lều.

Thực vật: Tính hiếu động, tò mò thường khiến trẻ thích thú, hiếu kỳ trước nhiều loại cây, trái, nấm... mọc hoang trong rừng. Trẻ cần được nhắc nhở thường xuyên, nghiêm cấm hái các loại trái cây/nấm gặp phải trên hành trình dã ngoại, kể cả những trái cây có hình dạng giống với nhiều loại quả thường dùng ở nhà. Không nên bứt lá, bẻ cành vì nhựa cây có thể chứa độc tố.

Nguy hiểm tự thân: Có nguy hiểm đến từ nỗi sợ hãi vô cớ, do trẻ thiếu tự tin và ám ảnh bởi lời dặn dò/ nghiêm cấm của phụ huynh; trong khi bản thân thì lại rất tò mò, thích khám phá. Đơn cử, trẻ muốn leo cây, đuổi bắt vật gì đó gặp phải trong chuyến đi, nhưng trước đó đã được phụ huynh cảnh báo/nghiêm cấm rằng việc này rất nguy hiểm.

Dù vậy, nhiều trẻ vẫn âm thầm “mạo hiểm”, để rồi chính tâm lý sợ sệt khiến trẻ bất an, lo lắng nên chểnh mảng, thiếu tập trung khi thực hiện hành vi. Do đó, phụ huynh cần động viên, tiếp cho con sự tự tin khám phá, mạnh dạn thể hiện mình với yêu cầu trẻ nên báo cáo mọi ý muốn, việc làm sẽ thực hiện để nhận được sự đồng ý, chỉ dẫn của trưởng đoàn.

Trước những chuyến dã ngoại, phụ huynh thử đặt ra một số tình huống nguy hiểm con có thể gặp phải để nắm bắt cách xử trí của con; qua đó khuyên bảo con nên và không nên làm gì trong từng trường hợp cụ thể.

Theo Phụ Nữ Online