Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

PHẠT CON KHÔNG ĐÒN ROI

Trong thâm tâm, nhiều bậc cha mẹ nghĩ nên giáo dục con theo cách ‘thủ thỉ’. Nhưng khi nổi nóng, cha mẹ bắt đầu 'mắt trợn, mặt nhăn' và đánh con.



‘Tôi đang trong tâm trạng phân vân giữa ‘nên hay không nên đánh con?’. Bé nhà tôi đã gần 3 tuổi và rất hay nghịch phá, đặc biệt là thích hất tung đồ đạc xuống đất. Mỗi lần bé cư xử như thế, tôi đều nói với con rằng ‘Con không được làm như thế!”, đồng thời, tôi cũng tỏ thái độ rất dứt khoát. Nhưng, bé chỉ nghe lời tôi được một lúc, rồi mọi việc đâu lại vào đấy.

Một lần, vì quá bực nên tôi đã đánh con rất đau. Sau lần đó, tôi thấy cách cư xử của bé có nhiều biến chuyển. Bé không còn hất đồ xuống đất nữa nhưng lại tỏ ra sợ mẹ. Liệu tôi có sai khi đã đánh con?”, một bạn đọc chia sẻ.

Trong thâm tâm, nhiều bậc cha mẹ nghĩ mình nên giáo dục con theo cách ‘thủ thỉ’. Nghĩa là phương pháp giáo dục không đòn roi, cố gắng nói chuyện thật nhiều để con thêm gắn kết, kính trọng và yêu thương cha mẹ. Nhưng, những khi nổi nóng, cha mẹ dường như quên tất cả và bắt đầu ‘mắt trợn, mặt nhăn’ và đánh con.
Sự thật, roi vọt không giúp trẻ học được tính kỷ luật cũng không làm nên bản lĩnh con người. Ngược lại, đòn roi sẽ khiến trẻ nghĩ rằng có thể giải quyết khúc mắc bằng bạo lực.

Dưới đây là 4 lý do không nên đánh con, cha mẹ cần biết:

1. Đòn roi không làm nên bản lĩnh con người: Đánh đòn chỉ chấm dứt hành vi xấu trong giây lát. Hành vi không tốt luôn luôn tiếp tục vì bọn trẻ không biết làm cách nào để cư xử khác hơn.

2. Đòn ròi ‘dạy’ trẻ biết quanh co, chối tội: Bị đánh không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn mà sẽ ‘dạy’ trẻ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị ‘tóm’ khi mắc sai lầm.

3. Đánh đòn rất dễ khiến trẻ hoặc lớn lên trong sợ hãi, nhút nhát, hoặc trở nên chai lỳ về cả thể xác lẫn tinh thần:Trẻ con dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do mà nó bị phạt. Nó sẽ cư xử vì sợ hãi thay vì muốn hành động đúng.

4. Đòn roi 'dạy' trẻ rằng mâu thuẫn có thể giải quyết bằng 'nắm đấm': Roi vọt dạy con rằng, khúc mắc giúp giải quyết mọi vấn đề. Trong khi đó, bọn trẻ cần học cách giải quyết vấn đề một cách dễ chấp nhận và không bạo lực.

Vậy, khi trẻ hư thì làm thế nào để phạt trẻ đúng cách?

1. Phải nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc nói để trẻ hiểu rõ là bị phạt vì hành vi cụ thể nào. Giải thích cho trẻ hiểu tại sao như vậy là sai và như thế nào là đúng. Nói cho trẻ hình phạt chúng sẽ nhận nếu cứ tiếp tục cư xử không đúng hoặc hư hỗn. Ví dụ: "Nếu con tiếp tục hất tung đồ chơi, mẹ sẽ không mua đồ chơi cho con nữa"...

2. Hình phạt vừa phải, chỉ mạnh vừa đủ để dừng lại hành động không đúng. Tùy theo lỗi mà xử phạt nặng nhẹ khác nhau đủ để trẻ hiểu mình làm sai. Nếu lỗi của trẻ không đáng bị đánh, đòn roi chỉ khiến trẻ 'tâm bất phục'.

3. Phạt ở điều kiện trẻ không thể né tránh hay xao lãng. Ví dụ: không nên phạt bắt đứa con trai ở trong phòng, nơi mà con có thể chơi điện tử.

4. Lời nói phải đi với hành động - thực hiện đúng theo những gì đã nói. Ví dụ: nếu đã phạt trẻ không được lên mạng một ngày thì phải thực hiện đúng y như vậy, không giảm đi hoặc tăng thêm.

5. Không để chuyện phạt con ảnh hưởng ở những tình huống khác. Ngay sau khi hình phạt kết thúc thì coi như đã qua, không tỏ ra thái độ thiếu hài lòng nữa.

(Theo Internet - Trung tâm năng khiếu Viettalentkids sưu tầm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét