Trẻ muốn ăn, nếu mẹ nói: "Cay lắm, con không ăn được" tức là đã mắc phải một lỗi sai "kinh điển".
Nuôi dạy con là cả một nghệ thuật của những người làm cha làm mẹ. Chúng ta yêu con, quan tâm đến con và muốn dạy con thành người. Vậy nhưng trong quá trình dạy dỗ, đôi khi những phản ứng theo bản năng của mẹ Việt lại vô tình trở nên phản tác dụng, phản giáo dục mà chúng ta không hay. Tôi xin liệt kê ra những lỗi sai kinh điển của mẹ Việt trong cách nuôi dạy con.
1. Trẻ muốn nghịch đất cát, chúng ta nói: Bẩn, không được phép chơi!
Tước quyền chơi của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy ức chế, sự thích thú với thiên nhiên cũng dần “tan biến’ theo chữ bẩn. Thêm vào đó, người mẹ còn ngăn chặn nhận thức của trẻ với sự vật, giảm sự thăm dò của trẻ với không gian, môi trường xung quanh.
2. Trẻ muốn ăn, chúng ta nói: Cay lắm/ nóng lắm, con không ăn được đâu!
Trẻ có ăn mới có thể tự nhận thức. Bao bọc con quá đà không giúp bé an toàn. Trẻ cần phải được nếm đủ món đủ vị, để tự biết cảm giác cay ra sao, chát thế nào, nóng thì có thích không. Bó hẹp và cấm ăn uống khiến con cảm thấy ngột ngạt. Và cũng chưa chắc, sau lưng cha mẹ trẻ sẽ không ăn.
3. Trẻ hơi khó chịu, mệt mỏi, không muốn đi học, không muốn uống thuốc, chúng ta nói: Bây giờ mẹ con mình đi bệnh viện cho bác sỹ tiêm nhé!
Mang bác sỹ và mũi kim ra “dọa” con trẻ chưa bao giờ là điều tốt. Càng như vậy trẻ sẽ càng có ác cảm với bác sỹ và nghĩ rằng bác sỹ không làm gì tốt ngoài việc khiến các bé bị đau. Trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại, các bác sỹ và những mũi tiêm mới là điều giúp trẻ thoát khỏi bệnh tật và trở nên khỏe mạnh.
4. Trẻ muốn tự xúc cơm, chúng ta nói: Bẩn quần áo đấy, vỡ bát đấy, thôi để mẹ xúc cho nhanh!
Vì mẹ đã “cơm bưng nước rót”, trẻ sẽ ngày càng trở nên thụ động, không hiểu được cảm giác vui vẻ của việc tự chủ và tự xúc cơm, chân tay sẽ trở nên thừa thãi và không còn nhu cầu làm việc vặt.
5. Trẻ đi học, chúng ta nói: Con phải nghe lời cô giáo.
Trẻ sẽ không còn dám giơ tay phát biểu khi chưa hiểu bài, không dám hỏi tại sao khi cô giáo yêu cầu. Sợ cô giáo mắng, con sẽ chỉ biết chấp nhận, không dám sáng tạo, không có quan điểm và ý tưởng riêng của mình.
6. Trẻ muốn giúp mẹ việc nhà, muốn tự làm một việc của người lớn, chúng ta nỏi: Con ngoan lắm, bây giờ mẹ chỉ cần con đọc sách này đi, hay vào học bài đi
Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để dạy con về trách nhiệm, cơ hội để trẻ được tự lập và thể hiện bản thân mình đã được mẹ “dập tắt từ trong trứng nước”.
7. Trẻ được điểm cao ở lớp nhưng cô phê bình con viết chữ xấu, hay nói chuyện, nói leo hoặc ích kỷ, chúng ta nói: miễn con học tốt là được, những cái khác không quan trọng
Chỉ quan tâm đến “học văn” mà quên dạy con cách “học lễ”, đó không phải là cách giáo dục một con người thành đạt trong tương lai. Cha mẹ đang vô tình khiến con quên đi nhân cách mà chỉ quan tâm đến tài năng.
8. Con đòi hỏi bố mẹ mua đồ, chúng ta đáp ứng con ngay lập tức
Khi lớn lên, trẻ sẽ ngầm hiểu rằng mọi thứ của bố mẹ làm ra đều là để dành cho mình.
9. Khi con không nghe lời, chúng ta nói: Nếu con không nghe, mẹ sẽ mách cô giáo, bỏ con một mình, cấm con không được ăn….
Trẻ không nghe lời cần nhận được hình thức xử phạt. Tuy nhiên, đó phải là những hình thức hợp lý và đúng sự thật. Nếu chúng ta đã nói, chúng ta phải làm được, tránh tình trạng dọa suông hoặc đe dọa trẻ những điều không có thật. Lâu dần, trẻ sẽ “nhờn” với lời dọa dẫm của mẹ.
10. Trẻ học không giỏi bằng bạn bè, chúng ta nói: Con xem bạn A đi kìa!
So sánh sẽ khiến trẻ thêm tự ti, không muốn cố gắng và cho rằng trong mắt bố mẹ mình không bao giờ là tốt, là hoàn hảo.
(Theo Eva)
Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét