Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

"KẾ MỌN" DẠY CON BIẾT CHIA SẺ

Thấy con giành đồ chơi hoặc khư khư giữ đồ mà không biết chia sẻ, nhiều phụ huynh tặc lưỡi: "Lớn lên con sẽ biết ý!'

Nhiều cha mẹ khi thấy con giành đồ chơi với bạn hoặc không cho bạn mượn đồ chơi thường tặc lưỡi: lớn lên nó sẽ biết ý mà. Sự thực, dạy con biết chia sẻ là nền tảng giúp con phát triển nhân cách nên cha mẹ cần phải dạy càng sớm càng tốt.
Theo Nora Newcombe, chuyên gia tâm lý ở Đại học Temple, Mỹ, các bé tuổi mầm non thường cho mình là trung tâm. Và một trong những cách để chúng khẳng định sự độc lập là giữ chặt món đồ của mình. Nếu muốn rèn cho con tính rộng lượng, biết chia sẻ, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số gợi ý sau:
1.    Chia sẻ là trò chơi nhiều niềm vui
Dạy và khuyến khích trẻ tham gia những trò chơi mang tính cộng đồng mà các thành viên phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để đạt hiệu quả công việc, ví như: cùng giải câu đố, xếp hình… Đặc biệt, tạo cơ hội cho trẻ cùng chơi và sẻ chia đồ chơi hoặc thức ăn.


2.    Đừng phạt khi trẻ ích kỷ
Nếu thấy con trẻ ích kỷ, không biết sẻ chia với bạn khác, bạn đừng vội nổi nóng, lớn tiếng quát con ‘Đồ ích kỷ’ hoặc tỏ ra khó chịu và giật món đồ từ tay trẻ. Ép trẻ phải sẻ chia món đồ chúng ưa thích, vô tình bạn đang nuôi dưỡng sự oán hận trong lòng con. Trẻ sẽ biết chia sẻ đồ nếu chúng hiểu tại sao nên làm như thế. Do đó, thay vì mắng mỏ, hãy nhẹ nhàng gợi nhớ lại cho con một ký ức nào đó, như: “Con có nhớ rằng mình đã vui thế nào khi được bạn Num cho chơi ô tô cùng không? Bạn Num sẽ yêu quý con lắm nếu con cho bạn chơi máy bay cùng’.
3.    Cho con chút đặc quyền
Trước khi chơi, cho bé cất đi những đồ chơi mình yêu thích. Trong nhà sẽ có một chỗ để đồ chung, nơi giữ tất cả những đồ chơi mà ai sử dụng cũng được, còn một số thứ đặc biệt, theo ý thích của từng con sẽ được cất riêng ở phòng ngủ của mỗi đứa.
Bạn cũng có thể nhắc nhở con biết chia sẻ bằng cách này khi nói: "Con vẫn là người chơi những đồ này đầu tiên, sau đó, con sẽ cho bạn khác được chơi cùng nhé".
4.    Biểu dương kịp thời
Hãy thể hiện rằng bạn rất hài lòng và tự hào khi thấy con biết nhường nhịn, chia sẻ. Nói với trẻ những lời động viên: “Con cho em Bi mượn hộp màu vẽ tranh, mẹ thấy vui lắm!’.
Bạn cũng có thể thưởng cho con món quà nho nhỏ nhưng thật cụ thể, chứ không cần phải là đồ chơi đắt tiền, chẳng hạn như đưa con đến công viên bé thích.
5.    Người lớn làm gương


Con trẻ là bậc thầy về tài bắt chước. Vì vậy,  muốn trẻ biết chia sẻ, trước hết, người lớn phải là tấm gương sáng.
Hãy chia cho trẻ những thứ bạn có, luôn dùng từ “chia sẻ” để miêu tả những gì bạn đang làm và đừng quên nhắc nhở bé rằng, có những điều không thấy được cũng có thể được chia sẻ (chẳng hạn như sở thích, ý tưởng hay những câu chuyện…). Bên cạnh đó, hãy khơi gợi cho con hiểu rằng khi nào cần chia sẻ và hành động nào là chia sẻ.
Theo eva.vn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét