Những trẻ thể bệnh nặng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích hợp. Uống vitamin A có thể giúp trẻ tránh được mù lòa. Tất cả những trẻ bị sởi nặng cần được uống vitamin A càng sớm càng tốt và uống liều thứ hai ngay ngày hôm sau. Tăng cường dinh dưỡng và điều trị mất nước bằng đường uống là cần thiết.
Bệnh sởi là gì?
Sởi là bệnh sốt phát ban thông thường do một loại siêu vi gây nên. Bệnh này rất hay lây, gây thành dịch, thường vào mùa đông và mùa xuân. Thời gian ủ bệnh từ 8 đến 14 ngày. Trẻ những nơi tập trung đông dân thường mắc sởi.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi là triệu chứng giống như triệu chứng cảm thường, kèm chứng sốt mỗi ngày một cao hơn và có đốm trắng nhỏ trong miệng trên lớp niêm mạc bên trong má. Mắt trẻ cũng có thể bị đỏ và bị đau. Khoảng 3 ngày sau, các triệu chứng ban đầu được kế tiếp bằng những nốt ban nhỏ màu nâu mọc sau tai lan ra và hòa với nhau hình thành nên một khoảng mẩn đỏ trên mặt và trên thân mình.
Bệnh sởi là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất so với các bệnh khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tác nhân gây bệnh là vi rút, vi rút sởi gây nhiễm trùng cao và dễ lây, dễ gây thành dịch. Sởi có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ nhỏ bệnh nặng hơn.
Thể bệnh nặng hay xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi. Người lớn có thể bị tiêu chảy nặng. Trẻ em có thể bị mất nước do tiêu chảy, có thể bị viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp và thanh quản do vi rút sởi làm giảm hệ miễn dịch.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu không tiêm phòng sởi thì rất dễ mắc. Trẻ được nuôi dưỡng kém, đặc biệt trẻ không được uống vitamin A, sống trong điều kiện đông đúc, và trẻ có hệ miễn dịch giảm do AIDS hoặc các bệnh khác thường mắc sởi nặng.
Trẻ miễn dịch vĩnh viễn sau khi khỏi bệnh sởi. Trẻ nhỏ có mẹ đã mắc sởi thường có miễn dịch trong 6-8 tháng đầu sau khi sinh.
Cơ chế lây lan
Sởi lan truyền do dịch tiết ở mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Sự lan truyền từ người bệnh đến người lành có thể xảy ra khi người lành hít phải những giọt không khí có vi rút sởi sau khi người bệnh xả ra 2 giờ. Người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác trước và sau vài ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh.
Triệu chứng:
Ngày thứ nhất, thứ hai:
- Chảy nước mũi.
- Ho khan.
- Mắt đỏ, đau, không chịu được ánh sáng chói, ra nước mắt.
- Thân nhiệt tăng lên đều.
Ngày thứ ba:
- Thân nhiệt hơi giảm.
- Tiếp tục ho.
- Nổi những chấm trắng nhỏ trong miệng, tựa như những hạt muối.
Ngày thứ tư, thứ năm:
- Sốt nhiệt độ tăng, có thể tới 400C.
- Những đốm ban màu đỏ nhạt dần , hơi nổi gai, xuất hiện đầu tiên trên trán và sau tai, dần dần lan ra cả mặt và thân.
Ngày thứ sáu và thứ bảy:
- Ban nhạt đi và các triệu chứng khác biến dần.
Ngày thứ chín:
- Trẻ hết lây nhiễm.
Có thể có những biểu hiện lâm sàng khác:
- Thể nhẹ: Bệnh nhi chỉ viêm họng đỏ, ho, sổ mũi - thấy ở những đứa trẻ được tiêm thuốc phòng bệnh.
- Thể các nốt sởi thành những bọc nước nhỏ.
- Thể có những triệu chứng trúng độc, tử vong cao, thấy ở những vùng chưa bị sởi bao giờ.
Biến chứng:
- Phổi: Biến chứng nặng ở trẻ còn nhỏ là viêm phế quản - phổi thứ phát sau viêm cuống phổi thường thấy trong bệnh sởi.
- Viêm tai giữa: thường gặp.
- Viêm thanh quản.
- Viêm miệng hoại tủ (cam tẩu mã).
- Viêm ruột: bệnh gây tiêu chảy kéo dài, rồi dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Viêm não: biến chứng nặng, ít gặp.
Điều trị:
Những trẻ thể bệnh nặng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích hợp. Uống vitamin A có thể giúp trẻ tránh được mù lòa. Tất cả những trẻ bị sởi nặng cần được uống vitamin A càng sớm càng tốt và uống liều thứ hai ngay ngày hôm sau. Tăng cường dinh dưỡng và điều trị mất nước bằng đường uống là cần thiết.
Phòng bệnh:
- Đưa trẻ đi tiêm vắcxin sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng. Trẻ em cần tiêm một mũi vắcxin sởi trước khi 1 tuổi.
- Trẻ mắc sởi nằm viện cần được cách ly ít nhất 4 ngày sau khi ban ở da xuất hiện.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng cần cách ly trong thời gian bị bệnh.
- Cách ly trẻ càng sớm càng tốt, thời gian cách ly 15 ngày kể từ khi mắc bệnh.
- Anh em của bệnh nhi nếu chưa từng mọc sởi phải được cách ly bệnh nhi trong 18 ngày.
- Bệnh nhi và anh em bệnh nhi không được đến trường học trong 18 ngày, nếu chưa được tiêm chủng.
Ở nhà trẻ: Khi có dịch, không nhận trẻ cho đến khi hết dịch.
Những việc bạn có thể làm:
- Để trẻ nằm nghỉ trong buồng sáng và thoáng.
- Khi trẻ sốt nhiều, cho trẻ ăn theo chế độ ăn lỏng, khi trẻ bớt sốt cho trẻ ăn uống bình thường.
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ: cho trẻ súc miệng bằng nước muối.
- Kiểm tra nhiệt độ của trẻ ít nhất hai lần mỗi ngày và cứ năm, sáu giờ một lần khi trẻ đang bị sốt cao vào ngày thứ tư, thứ năm.
- Ở bên cạnh trẻ nếu trẻ cảm thấy rất khó chịu khi đang bị sốt cao.
- Khi trẻ sốt cao, hãy làm hạ nhiệt độ cho trẻ bằng cách lau mình cho trẻ bằng nước ấm. Trẻ sốt cao trên 38,50C, bạn có thể cho trẻ uống một liều Paracétamol nước để giảm sốt.
- Cho trẻ uống nhiều nước để tránh cho cơ thể khỏi bị mất nước, đặc biệt khi trẻ sốt cao.
- Nếu trẻ đau mắt, bạn hãy rửa mắt cho trẻ bàng bông gòn nhúng vào nước mát.
- Mặc dù ánh sáng chói chẳng làm tổn thương mắt trẻ song bạn hãy giữ trẻ trong phòng tối nếu điều đó làm cho trẻ dễ chịu hơn.
- Tránh đưa trẻ ra gió.
Khi nào bạn cần đưa trẻ đi bác sĩ?
- Ba ngày sau khi phát ban trẻ không khá hơn.
- Thân nhiệt trẻ bỗng nhiên tăng lên.
- Tình trạng trẻ xấu đi sau khi có vẻ khá lên.
- Trẻ bị đau tai.
- Trẻ thở khò khè hay khó thở.
(Theo suckhoecuocsong.com)
Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét