Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

9 CÁCH ĐƠN GIẢN XÂY DƯNG KỸ NĂNG NGÔN NGỮ CHO CON

1. Nói chuyện, nói chuyện và nói chuyện
Đừng bao giờ vì con chưa nói sõi hay nghĩ rằng con không hiểu những lời mình nói mà ngừng nói chuyện với con. Khi sắp làm gì, đang làm gì, bố mẹ đừng bao giờ thuật lại cho con nghe, nói cho con biết. Nhớ là dùng những câu đầy đủ chủ vị, có cảm cảm xúc của bố mẹ lúc đó nữa. "Bây giờ chúng ta sẽ đi tắm. Mẹ tắm cho con nước ấm đó, con thấy nước ấm không? Tắm xong, con sẽ được lau khô người. Sau đó, mẹ mặc quần áo đẹp cho con và mẹ con mình sẽ đi dạo".

2. Đọc, đọc, đọc

Không bao giờ là quá sớm để đọc truyện cho con nghe. Chỉ cần ba mẹ chịu dành thời gian đọc sách với con, con sẽ trở thành một người yêu sách, biết đọc sách và tìm được niềm vui từ sách. Ba mẹ có thể bắt đầu từ những quyển sách tranh thật lớn, nhiều hình vẽ và nội dung thật đơn giản để thu hút sự chú ý của con. Con càng lớn, nội dung quyển sách có thể càng phức tạp hoặc dài hơn. Cùng với việc đọc sách, đưa con đến thư viện, dắt tay con đi dạo cửa hàng sách... cũng là những điều tuyệt vời mà ba mẹ có thể dành tặng cho tuổi thơ của con.
3. Thưởng thức âm nhạc
Cùng con lắng nghe những giai điệu vui nhộn của những bài hát thiếu nhi, con sẽ có phản ứng với âm nhạc. Con có thể sẽ dậm chân, lúc lắc cái đầu hoặc xoay người theo điệu nhạc. Đây cũng chính là lúc con tìm hiểu về thế giới xung quanh và nhịp điệu của ngôn ngữ.

4. Kể chuyện

Những câu chuyện cổ tích mà bạn biết hoặc tự nghĩ ra, với những nhân vật hiệp sĩ, hoàng tử, quái vật, công chúa, phù thủy... cùng những chuyến phiêu lưu, những tình tiết bất ngờ, những phép màu, xung đột và quan trọng là phải có cái kết có hậu sẽ rất hấp dẫn bé. Lưu ý là câu chuyện cần phù hợp với sở thích cũng như lứa tuổi của con.
5. Tương tác với con
Khi con tỏ ra thích thú với một hình ảnh nào đó trong sách, hãy nói thật nhiều về nó. Đặt câu hỏi cho con, kể thêm chuyện cho con về hình vẽ đó và tương tác với con xoay quanh chủ đề đó. Tương tự, khi con tỏ ra hứng thú với hình ảnh con thuyền, hãy nói thêm về các con thuyền. Con có thể hỏi đi hỏi lại một câu, lặp đi lặp lại một ý, hãy kiên nhẫn nhé!

6. Không chỉ trích phát âm của con
Dù con có nói ngọng hay nói sai, đừng chỉ trích con, điều đó sẽ giáng đòn nặng vào sự tự tin của con. Ba mẹ cũng không nên nhại theo giọng con sẽ khiến con không sửa được những lỗi phát âm của mình. Điều cần làm là sửa lại cách phát âm đúng cho con và khen ngợi sự nỗ lực của con.
7. Quản lý thời gian ngồi máy tính và xem TV của con
Trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với TV và máy tính, trẻ trên 2 tuổi chỉ xem dưới 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Dù TV và máy tính có nhiều chương trình giáo dục phù hợp với con, ba mẹ cũng không nên cho trẻ xem nhiều vì con không thể tương tác với máy tính hoặc TV. Tương tác là điều kiện cần thiết để con phát triển kỹ năng ngôn ngữ của mình.

8. Chăm sóc tai kỹ lưỡng
Trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm trùng tai hoặc viêm tai giữa, ba mẹ cần đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh tai cho con. Sự suy yếu về thính lực có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ngôn ngữ của con.
9. Đi ra ngoài
Một chuyến đi đến sở thú, hồ cá hay bảo tàng dành cho trẻ em sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho con. Con có dịp tiếp xúc, thậm chí là giao lưu, nói chuyện với những người khác, con học được cách sử dụng ngôn ngữ hiệu quả. Ngoài ra, sự hứng thú của con đối với những nơi đã đi qua, những con vật đã gặp sẽ là chủ đề bất tận cho những cuộc nói chuyện tiếp theo ở nhà.
Nguồn: http://www.webtretho.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét