Rất nhiều cha mẹ than phiền rằng: “Con tôi ở nhà nói rất nhiều, nghịch như quỷ nhưng khi ra khỏi nhà nhất là tới chỗ lạ thì lại im ắng, khép nép, nếu ai hỏi gì thì cúi mặt im lặng, hoặc trả lời lí nhí”. Những biểu hiện nhút nhát và thiếu tự tin của trẻ như vậy đôi khi làm các bậc cha mẹ cảm thấy bực mình và khó chịu quay sang trách bé. Làm như thế có giúp các bé tự tin và trả lời thoải mái hơn không? Vậy làm sao để trẻ tự tin hơn trong giao tiếp ngay cả khi đó là một môi trường hoàn toàn xa lạ?
Việc đầu tiên cha mẹ cần làm đó là chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đưa bé đến môi trường mới. Hãy nói chuyện với bé kể cho bé về nơi bé sắp tới, ở đó như thế nào? Quang cảnh ra làm sao? Ở đó bé sẽ được gặp ai và để làm gì? Điều ấy sẽ giúp bé hình dung được phần nào nơi bé sẽ tới để bé không cảm thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ hay sợ sệt khi tiếp xúc thực tế. Với những đứa trẻ nhút nhát thiếu tự tin thì cha mẹ nên chú tâm tới những chuyển biến cảm xúc của bé. Luôn hỏi bé xem bé cảm thấy như thế nào? Có thích nơi này không? Con muốn làm gì trong lúc này? Khi được hỏi bé sẽ dễ dàng chia sẻ để cha mẹ hiểu và tạo điều kiện để bé thể hiện và cảm thấy thoải mái nhất tại môi trường mới.
Vào những ngày cuối tuần cha mẹ nên dành thời gian rảnh để đưa con tới những khu vui chơi giải trí, các sân chơi dành riêng cho trẻ em để trẻ làm quen hòa đồng, hòa nhịp vào các bạn vì trẻ con cùng tuổi rất dễ chơi và kết thân với nhau. Và cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ, giao lưu kết bạn với các bạn hàng xóm như thế trẻ sẽ có cảm giác được chia sẻ, được vui với những trò chơi của bạn bè cùng trang lứa. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn, không còn cảm giác đơn độc và không cảm thấy sợ sệt, nhút nhát nữa. Cha mẹ cũng nên tổ chức các chuyến đi du lịch vào các dịp hè để trẻ được đi chơi thoải mái. Bên cạnh đó giúp trẻ quan sát được nhiều hơn thế giới bên ngoài, tiếp xúc được nhiều người hơn sẽ giúp trẻ tự tin lên rất nhiều không còn e ngại trong giao tiếp nữa.
Cha mẹ hãy để cho bé tự do phát triển một cách thoải mái nhất. Bé thích làm gì, chơi gì, nói gì hãy cứ để bé làm đừng ngăn cản bé. Nhiều lúc bé rất muốn nói, muốn thể hiện điều gì đó nhưng sợ bị sai, bị ba mẹ mắng nên bé chọn cách an toàn là im lặng. Và chính điều ấy đã khiến bé không dám thể hiện mình trở nên rụt rè, nhút nhát. Vì thế hãy để bé làm theo ý của mình nếu bé sai hãy giải thích nhẹ nhàng cho bé hiểu và dạy bé sửa lại, nếu đúng sẽ cổ vũ động viên bé cho bé thêm động lực cố gắng ở những lần tiếp theo.
Cha mẹ nên nói cho mọi người xung quanh, những người sẽ tiếp xúc với bé biết về tính nhút nhát, không tự tin của bé để mọi người hiểu và trong lúc giao tiếp tránh những lời nói nặng, cử chỉ hành động làm bé sợ hãi.
Nguồn: wedowegood-school.edu.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét