Khi bé được 3 tuổi là thời kỳ việc giáo dục tập trung vào việc dậy trẻ ghi nhớ là chủ yếu, song từ thời kì này phải chuyển sang giáo dục tư duy cho trẻ...
Các bạn phải biết trước một điều rằng càng cho trẻ 3 tuổi chơi trò chơi tư duy, càng khiến trẻ trở thành người có khả năng tư duy cao, chỉ số thông minh cao.
Vì vậy, vào thời kì này, đồ chơi cho trẻ không chỉ là việc vặn cái ốc vít, hay chơi đồ chơi chạy bằng pin… mà phải cho trẻ những món đồ chơi vận dụng đầu óc suy nghĩ mới được. Đồ chơi thích hợp cho trẻ ở độ tuổi này là những trò chơi để trẻ tự suy nghĩ, tự lắp ráp, sáng tác ra những đồ vật mới.
Ví dụ như bộ đồ chơi 3 miếng gỗ dẹt hình tam giác bằng 3 màu khác nhau (xanh, đỏ, vàng) là đồ chơi rất bổ ích. Với 3 miếng gỗ này, bạn cho con bạn xếp thành tàu, xe, chim, thú, côn trùng… thì đó là một trò chơi hết sức bổ ích.
Thời kì 3 tuổi, cùng với khả năng tư duy, kĩ thuật của trẻ cũng phát triển vượt bậc. Các bạn nên cố gắng hết mức có thể để trẻ có thể dùng đầu ngón tay vào những việc cần kĩ thuật tỉ mỉ càng nhiều càng tốt.
Ví dụ như cho trẻ dùng kéo, cho trẻ dán bằng hồ dán, chơi gấp giấy, chơi lấy dây (1 sợi dây thắt nút làm 1 vòng lớn, đan qua đan lại bằng các ngón tay, biến thành nhiều hình dạng khác nhau), cài cúc áo cúc quần, buộc dây…chẳng hạn. Cho trẻ chơi những trò như vậy sẽ khiến trẻ trở thành người có các ngón tay cực kì khéo léo. Sự khéo léo của các ngón tay có thể sánh được với mức độ thông minh của trẻ. Ngược lại, trẻ không dùng tay thuần thục được sẽ thành người vụng về. Vào thời kì này, các bạn không được quên việc dạy cho trẻ cầm đũa được, tự cởi mặc quần áo.
Vào thời kì kĩ thuật phát triển này mà cho trẻ đạp xe 3 bánh, đu xà đơn, vẽ tranh, đánh đàn piano, chơi bàn tính gẩy hạt thì cực kì hợp lí.
Trẻ trong độ tuổi 3 đến 6 tuổi có khả năng nhớ từ ngữ cao nhất trong suốt cả cuộc đời. Cho nên, trong thời kì này, dạy ngoại ngữ cho trẻ là thời điểm lí tưởng...
Về việc dạy ngoại ngữ cho trẻ em ở độ tuổi này, học giả Starn đã nói “Một lợi ích to lớn khi dạy ngoại ngữ cho trẻ em ở độ tuổi này là, đây cũng là độ tuổi trẻ học tiếng mẹ đẻ, nếu dạy luôn ngoại ngữ thì đồng thời trẻ nhập tâm tiếng nước ngoài cũng theo cách thức như tiếng mẹ đẻ”. Còn nhà sinh học tâm lí Leoporlter thì nói “ Học ngoại ngữ sau 10 tuổi không phải là không thể, nhưng sẽ rất khó có thành tích xuất sắc. Là bởi vì, nó mang tính phản sinh lí”.
Thời kì chín muồi với ngôn ngữ là từ 3 đến 6 tuổi, dạy ngoại ngữ là việc tự nhiên, nhưng việc dạy từ ngữ khó của tiếng nước ngoài nhìn từ góc độ tâm lí học phát triển của não là quá sức.
Vào thời kì này, cho trẻ nghe tiếng nước ngoài, trẻ tự nhiên nhập tâm được phát âm, ngữ pháp chính xác của ngông ngữ đó như một bản năng sinh lí, chúng được lưu cất vào bộ nhớ trong não bộ. Sau đó có không học ngoại ngữ đó nữa, thì sau này, khi có dịp học lại ngoại ngữ đó thì trẻ vẫn bật ra tiếng ngoại ngữ đó với giọng phát âm chuẩn.
Một hôm, tôi nói chuyện với một phụ nữ ngồi cùng ghế trên tàu điện. Bà ấy kể rằng “hồi tôi học cấp 3, có một người bạn nói tiếng Anh với giọng cực kì chuẩn, thành tích học môn tiếng Anh của bạn ấy cũng cực kì xuất sắc. Bạn ấy trong thời gian từ 2 đến 5 tuổi đã từng sống ở Mỹ với bố mẹ. Còn trong lớp của tôi cũng có một bạn quốc tịch Hàn quốc. Người bạn này nói tiếng Nhật trôi chảy, lưu loát chẳng khác gì người Nhật cả. Nhưng khi đến nhà bạn ấy chơi, chúng tôi mới vỡ lẽ bà mẹ thì nói tiếng Nhật ngúc nga ngúc ngoắc, phát âm sai nhiều chỗ. Bà mẹ sống ở Nhật lâu hơn con mà. Thế mới thấy không phải cứ ở lâu mà nói giỏi được đâu phải không ạ?” Câu chuyện của người phụ nữ đồng hành kể trên, như là một xác nhận cho việc dạy ngoại ngữ cho con trẻ vào thời kì thích hợp có tác dụng đến nhường nào.
Theo Babymart.vn — tại Trung tâm Phát triển Năng khiếu Viettalentkids.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét