Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

CÁCH DẠY TRẺ NÂNG CAO CHỈ SỐ THÔNG MINH XÚC CẢM



Với sự hiểu biết và nỗ lực, cha mẹ có thể giáo dục nâng cao chỉ số thông minh xúc cảm (EQ), giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, thích ứng nhanh với cuộc sống, làm tiền đề cho sự thành công sau này.
EQ là khả năng nhận thức, thấu hiểu và truyền đạt cảm xúc. Theo chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục nâng cao chỉ số thông minh xúc cảm cho trẻ là để bé cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và người thân trong gia đình qua những cử chỉ, lời nói trìu mến. Thực tế cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc sẽ phát triển nhân cách hoàn thiện hơn, có thái độ tích cực hơn trong suốt cuộc đời.
tre-jpg-1367228226-1367229344_500x0.jpg
Ảnh minh họa: thuocbietduoc.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần hình thành cho trẻ thói quen biết quan tâm, chia sẻ với những người trong gia đình, bạn bè; giải thích cho các em hiểu sự liên quan giữa hành vi của trẻ với cảm xúc của những người xung quanh. Có như vậy, bé sẽ dễ hòa nhập với cộng đồng. Những thói quen tốt, dù rất nhỏ, sẽ hình thành cho trẻ một nhân cách đẹp và tâm hồn nhạy cảm.
Khi thấy trẻ giành đồ chơi của bạn, cha mẹ hãy hỏi con: “Nếu con bị bạn giành món đồ chơi mà con yêu thích, con cảm thấy thế nào?”. Đó chính là cách bạn gợi mở giúp trẻ hiểu được cảm xúc của người khác cũng như của chính mình, để bé biết chế ngự, điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Khi mẹ nói với bé rằng: “Nếu con cho bạn mượn đồ chơi, thì bạn cũng sẽ cho con chơi chung đồ chơi của bạn”, cũng là một cách khuyến khích trẻ biết sẻ chia.
Nguyên tắc thứ hai: Mỗi khi trẻ tỏ ra biết tiếp thu, có những hành vi tích cực, cha mẹ cần động viên. Chẳng hạn như nói với bé rằng: “Mỗi lần thấy con biết nhường nhịn em, mẹ vui lắm. Mà em cũng thương con hơn nữa”.
Nguyên tắc thứ ba: Cha mẹ cần lắng nghe con nói để hiểu được cảm nhận của con và qua đó cùng chia sẻ những vấn đề bé đang quan tâm. Chẳng hạn, trẻ buồn vì bạn dành nhiều thời gian cho em út hơn mình, hãy bảo: "Mẹ hiểu, mẹ cũng từng trải qua cảm giác đó". Như vậy, bé vừa cảm thấy được chia sẻ vừa hiểu rằng ai cũng trải qua cảm xúc này và đã vượt qua được.
Ngoài ra, nên giúp trẻ gọi tên cảm xúc, xây dựng cho các em vốn từ vựng cảm xúc như buồn bã, vui vẻ, giận dỗi, lo sợ… bằng cách cho trẻ xem nhiều bức ảnh mô tả các trạng thái cảm xúc khác nhau và giải thích. Nếu bé thất vọng vì mất đồ chơi, đừng bảo: "Không sao đâu con, con đừng khóc nhé" mà hãy tận dụng cơ hội này dạy trẻ về các khái niệm cảm xúc. Có thể hỏi: “Con buồn, đúng không nào?" và khơi gợi: "Hôm trước bạn Tí mất đồ chơi, bạn Tí cũng buồn như thế, con nhỉ?". Tiếp đó, hỏi bé có thích đồ chơi ấy không, tại sao, như vậy con bạn sẽ mô tả được cảm xúc dưới nhiều góc độ hơn.
Nguyên tắc thứ tư: Tập cho trẻ quan sát cảm xúc của người xung quanh. Chẳng hạn bạn thủ thỉ với con: "Hôm qua bà nội vui lắm, bà cười nhiều. Sao bà vui thế nhỉ? Vì con biết nhường đồ chơi cho em đấy!" hoặc: "Cô Ba đang giận đấy, cô cau mặt và không bế nựng con nữa”. “Tại sao cô giận nhỉ? Vì con nghịch làm vỡ lọ hoa của cô mà không xin lỗi. Cô giận, con có buồn không?". Như vậy, bé không chỉ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người. Từ đó, trẻ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình - một khả năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.
Nguyên tắc thứ năm: Hạn chế trừng phạt trẻ, nhất là khi trẻ đang "hư", mọi lời dạy dỗ hay quát mắng, trừng phạt sẽ không mấy hiệu quả. Kinh nghiệm của chị Hằng (quận Bình Thạnh, TP HCM), mỗi lần bé Thùy la hét do không bằng lòng, mọi người trong nhà có thể giả vờ cùng ôm đầu kêu: "Đau đầu quá" và bỏ ra ngoài, cứ để mặc cô bé một mình. Khi ấy bé giống như diễn viên diễn mà không có người xem sẽ ngừng diễn sớm hơn.
Sau vài lần như vậy, bé Thùy hiểu hành vi mè nheo trên của mình vô ích nên sớm chấm dứt. Hoặc cha mẹ, có thể lén quay phim cảnh này và khi trẻ đã bình tĩnh thì phát lại cho cả nhà xem. Khi ấy, các em sẽ nhận thức được hành vi mình vừa thực hiện không đúng, bé sẽ cảm thấy xấu hổ và tự điều chỉnh dần.
Nguyên tắc thứ sáu: Không nên đưa ra lời giáo huấn nhiều bởi trẻ sẽ không hiểu và khó nhớ. Khi còn nhỏ, nhận thức của trẻ bắt nguồn từ hành vi cụ thể, sau đó mới dần dần rút ra quy luật: Điều nào nên, điều nào không. Như trường hợp một ông bố trẻ (quận 10, TP HCM) tìm mọi cách khuyên con trai mình đừng lại gần pô xe máy nhưng cậu bé không hiểu. Mỗi lần anh đi làm về, cậu con trai 3 tuổi cứ đến gần cha, phía có ống pô xe đang nóng hừng hực.
Thế là người cha nghĩ ra một cách: cầm theo con búp bê nhựa và làm như vô tình áp chân nó vào pô xe. Anh cầm búp bê với một chân bị chảy nhựa, đưa cho con trai xem kèm theo lời giải thích: "Con xem này, búp bê chạm vào ống bô nên bỏng chân, da rách cả rồi. Nó đau rát lắm, con ạ!". Lúc ấy con của anh rất sợ vì tận mắt thấy được hậu quả khi bị bỏng pô, từ đó cậu bé luôn ý thức tránh xa nó.
"Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc nâng cao chỉ số thông minh xúc cho con: Cha mẹ không thể là người vô cảm. Cha mẹ muốn cho con được tắm mình vào môi trường cảm xúc thì nhất thiết phải dành thời gian cho con, dạy con bằng tình yêu thương vô điều kiện", bà Phạm Thị Thúy đúc kết.
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/me-va-be/nuoi-day-tre/cach-day-tre-nang-cao-chi-so-thong-minh-xuc-cam-2741036.html

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

LỢI ÍCH CỦA VIỆC HỌC SỚM NGÔN NGỮ THỨ HAI

Trước đây người ta vẫn thường nghĩ: học ngôn ngữ thứ hai ở lứa tuổi đang bắt đầu học tiếng mẹ đẻ có thể khiến trẻ lẫn lộn, nhầm lẫn, từ đó ngăn trở việc học đọc - viết sau này. Nhưng các nhà nghiên cứu về học song ngữ đã đưa ra những kết luận hoàn toàn trái ngược và đáng kinh ngạc. 



Đó là việc học đồng thời 2 ngôn ngữ giúp trẻ em trở nên linh hoạt, thông minh, có khả năng tập trung cao hơn. Barbara Lust, một chuyên gia ngôn ngữ và tâm lý phát triển trẻ em, cho rằng khả năng tập trung chú ý cao là chìa khóa cho sự thành công trong học tập và là biểu hiện cao nhất của khả năng sẵn sàng đi học ở trẻ mầm non.

1. Học ngoại ngữ giúp trẻ thông minh hơn
Theo kết quả nghiên cứu 5 năm của Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Cornell, học sớm ngôn ngữ thứ hai không ảnh hưởng gì đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, ngược lại giúp trẻ tập trung chú ý tốt hơn trong khi học so với trẻ chỉ biết tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, ngôn ngữ thứ hai hỗ trợ tiếng mẹ đẻ hình thành và phát triển tốt nếu được giới thiệu sớm và bằng phương pháp phù hợp. Việc học ngoại ngữ giúp trẻ diễn đạt tiếng mẹ đẻ đúng ngữ pháp, rõ ràng, mạch lạc hơn.

Barbara Lust và đồng nghiệp, tiến sĩ  Sujin Yang, đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Tiến sĩ Sujin Yang đã nghiên cứu quá trình học ngôn ngữ của trẻ nhỏ hơn 30 năm, với trên 20 ngôn ngữ của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bà chỉ ra rằng trẻ nhỏ có thể tiếp thu hơn một thứ tiếng cùng một lúc rất tự nhiên, thoải mái hơn chúng ta vẫn tưởng. Trẻ mầm non có thể học rất nhanh ngôn ngữ thứ hai khi được “tắm” trong môi trường ngôn ngữ thường xuyên, tích cực mà chúng đang học.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn đưa ra những bằng chứng về các lợi ích khác mà trẻ có được khi học song ngữ (being bilingual). Đó là:
• Phát triển tốt hơn về kỹ năng xã hội từ sự tiếp cận nền văn hóa khác trên thế giới, kỹ năng giao tiếp linh hoạt và tâm thế tự tin.
• Kỹ năng phát âm tốt hơn (cả tiếng mẹ đẻ lẫn ngôn ngữ thứ 2).
• Khả năng quan sát đối chiếu, so sánh linh hoạt do trẻ luôn chuyển dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ kia.
• Từ mới sinh tới 6 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất cho việc học song ngữ. Qua giai đoạn này chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, nhưng hiệu quả sẽ kém hơn.
 
2. Điều kiện cho việc học ngôn ngữ thứ hai hiệu quả

• Hãy cho trẻ “tắm” (tiếp xúc thường xuyên) trong môi trường tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ thứ hai ngay khi mới sinh.
• Tạo nhiều cơ hội cho trẻ được nghe ngôn ngữ thứ hai trong ngữ cảnh hằng ngày giống như tiếng mẹ đẻ. Nghe là kỹ năng cực kỳ quan trọng việc học ngôn ngữ. Ngôn ngữ được bắt đầu học từ nghe - nói - đọc - viết. Ngoài giờ học, trẻ có thể xem tivi, nghe thơ, chuyện, bài hát qua băng cassettes. Trẻ cũng có thể nghe người nước ngoài nói chuyện. Hiện nay có rất nhiều nguồn tài liệu (băng đĩa, phim ảnh, phần mềm trò chơi...) cho cha mẹ lựa chọn.
• Trẻ không nhất thiết phải hiểu những gì chúng nghe. Ngữ điệu, âm thanh, cảm xúc lời nói…cũng giúp ích rất nhiều. Trẻ có thể không hiểu hết ngữ nghĩa, nhưng chúng có thể phân biệt ngôn ngữ này với tiếng mẹ đẻ và dùng khả năng suy đoán để hiểu ý chính: ai đang ra lệnh, ai đang đặt câu hỏi, ai đang vui…Ngoài ra, những từ được lặp lại nhiều lần với sự trợ giúp của hình ảnh, ngữ cảnh giúp bé hiểu ý nghĩa thực của chúng. VD: đứng lên, ngồi xuống, cầm lấy, con chó... Đó là điều kiện rất tốt để học ngoại ngữ thành công sau này. Kỹ năng suy đoán giúp trẻ học nhanh nhiều thứ, trong đó có cả ngôn ngữ.
• Bạn hãy nhớ rằng không cần thiết phải chú tâm dạy ngôn ngữ nào đó cho một đứa trẻ tuổi mầm non. Trẻ học một cách thoải mái, tự nhiên nhờ khả năng mà các nhà tâm lý học gọi là “tính hồn nhiên nhận thức”. Càng lớn tính vô tư (spontaneousness), không gò bó, không biết ngượng gập này sẽ dần mất đi khi trẻ học và ứng xử theo các quy tắc xã hội.
• Hãy đọc truyện tranh cho trẻ nghe thường xuyên, cả bằng tiếng mẹ đẻ lẫn ngôn ngữ thứ hai. Hãy tổ chức các trò chơi bằng cả 2 thứ tiếng (luân chuyển) để trẻ có thể học mà chơi đúng theo đặc điểm hoạt động nhận thức của chúng.
• Nếu bạn là người nói được ngôn ngữ này, hãy nói chuyện với trẻ bằng cả 2 thứ tiếng. Đừng sợ trẻ bị lẫn lộn (confusing). Giai đoạn đó sẽ qua mau, không hại gì, chỉ làm trẻ trở nên linh hoạt, dịch chuyển ý tưởng nhanh hơn các bạn chỉ học tiếng mẹ đẻ.
 
Theo ThS. LÊ THỊ LIÊN HOAN
(Phó trưởng Phòng GD mầm non, Sở GD - ĐT TP.HCM)

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO TRẺ TRƯỚC KHI BƯỚC VÀO LỚP 1


Đang được cung phụng, cưng chiều ở các trường mẫu giáo tư học phí cao, nhiều em bé bị sốc khi vào tiểu học, bởi phải khép vào kỷ luật và không được nâng niu như trước.
Chạy ào từ trong lớp ra, nhìn thấy mẹ, bé Gia Bảo (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) bật khóc nức nở. Vừa nấc, bé vừa nói: “Mẹ làm đơn xin nghỉ học đi, xin cho con quay lại trường Sao Mai, con không học ở đây nữa đâu”. Cậu bé dứt khoát không chịu nói lý do.
Bước ngoặt lớn
Buổi tối, sau khi ăn xong, chị Lý dắt con đi dạo, vừa đi vừa thủ thỉ hỏi chuyện. Sau một hồi im lặng, cu cậu mới chịu bộc bạch với mẹ. Lên lớp một, không được cô giáo chiều chuộng, hầu như ngày nào cậu cũng bị phạt đứng úp mặt vào góc lớp vì tội nói chuyện riêng, viết chữ xấu. Trong khi đó, khi còn ở mẫu giáo, do nhà có điều kiện nên Gia Bảo được bố mẹ cho học trường dân lập học phí cao. Các bé trong lớp của Bảo được các cô giáo “nâng như nâng trứng”, không bao giờ quát mắng, đến bữa các cô kỳ công ngồi đút cho từng thìa cơm.
Hiểu được tâm trạng của con, chị Lý vô cùng lo lắng, bởi con trai mới vào lớp một chưa đầy một tuần mà đã có tư tưởng sợ hãi, chán nản mỗi khi đến lớp. Tâm lý bất ổn đó của bé chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc tiếp thu bài vở. Đêm đó, vợ chồng chị bàn cách giúp con hòa nhập với môi trường mới, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào hữu hiệu.
Cha mẹ nên giúp trẻ cảm thấy rằng đến trường là niềm vui lớn
Trở về nhà sau ngày đầu tiên vào lớp một, bé Hà Anh (phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) buồn rười rượi, cả bữa ăn không nói một lời. Ăn xong, Hà Anh lặng lặng vào phòng nằm. Chị Thảo mẹ bé mất gần một tiếng dỗ dành, cô bé mới chịu lên tiếng. Ngân ngấn nước mắt, Hà Anh tâm sự: "Cô không cho con chơi đồ chơi như hồi con còn học ở trường Hoa Hồng. Cô cứ bắt con viết chữ, làm toán. Con không muốn đi học đâu, mai mẹ cho con ở nhà với bà ngoại”. Qua trò chuyện, chị Thảo dần hiểu, con gái chị hoàn toàn bất ngờ khi bước vào lớp một, bé không còn được giáo dục theo lối “chơi mà học” mà phải học thực sự, phương pháp học tập hoàn toàn khác khi bé học mẫu giáo. Bạn mới, cô giáo mới và cách học mới đã khiến bé lo lắng.
“Con bé nhà tôi khi bắt đầu vào lớp một cũng khủng hoảng hàng tháng trời mới lấy được thăng bằng. Thời gian đầu, hầu như sáng nào đến lớp cũng khóc hết nước mắt, về tới nhà thì lầm lì, ít nói”, chị Trịnh Thị Phượng, ở Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ.
Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con thật tốt
“Trẻ vào lớp một là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Thời điểm này, các cháu bắt đầu một chặng đường dài học tập, không còn được thoải mái chơi như khi học mẫu giáo. Vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con thật tốt”, tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đưa ra lời khuyên.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, để giúp con nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, cha mẹ có thể đưa con đến chính ngôi trường mà mình định cho bé vào học, để bé làm quen với lớp học, bàn ghế... Đồng thời, nên cho trẻ tham quan hoạt động học tập của các anh chị ở trường, trò chuyện, giao lưu với các thầy cô giáo, giúp trẻ hiểu được trường học là nơi giải đáp những điều trẻ thắc mắc, rằng được đi học là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần đọc truyện, kể chuyện cổ tích cho con nghe và tập cho bé kể lại những chuyện đã nghe, nêu câu đố để trẻ tập suy nghĩ và trả lời. Ngoài ra, cũng cần dạy cho bé nói năng mạch lạc, rõ ràng, chào hỏi lễ phép để giúp bé học đọc, học nói ở lớp một được thuận tiện hơn. Để tạo hứng thú học tập cho con, cần chuẩn bị một góc học tập riêng và mua sắm cho con những đồ dùng học tập theo hướng dẫn của nhà trường như cặp, sách, bút, tẩy... Nên giúp con làm quen trước với những dụng cụ này trước khi vào học. Với những biện pháp này, chắc chắn các bé sẽ tự tin khi bắt đầu quãng đời học tập của mình.
 
Theo: 
baodatviet